Xuất khẩu sang Trung Quốc đang ở mức rất thấp

Tình trạng xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 đang thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng đề ra.
Xuất khẩu sang Trung Quốc đang ở mức rất thấp

Báo cáo tại cuộc họp về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng cuối năm 2019 diễn ra sáng 7/8, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương cho biết), hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại do giá của một số mặt hàng giảm sau khi đã đạt ở mức cao trong các năm 2017-2018, cụ thể như nhóm nông sản.

Đi kèm theo đó là sự gia tăng các yếu tố rủi ro, thách thức do bất đồng giữa các nước lớn về định hình thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hay như vấn đề Anh rời khỏi EU vẫn chưa được giải quyết, căng thẳng thương mại mới đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc…

Riêng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Phan Văn Chinh báo cáo hiện kim ngạch này đang ở mức “tăng quá thấp” khi xuất khẩu sang Trung Quốc 6 tháng năm 2019 chỉ đạt 16,68 tỷ USD, tăng 0,3% (tương đương mức tăng 42,7 triệu USD).

Hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh là điện thoại và gạo.

Theo đó, xuất khẩu điện thoại giảm 549 triệu USD. Đây là con số “đóng góp lớn nhất vào sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này”, ông Phan Văn Chinh cho biết.

Xuất khẩu gạo cũng giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 329,3 triệu USD).

Nguyên nhân được Cục Xuất nhập khẩu báo cáo là do thời gian gần đây tồn kho gạo mùa vụ cũ của Trung Quốc ngày càng lớn, tăng từ 76 triệu tấn mùa vụ năm 2014/2015 lên 113 triệu tấn mùa vụ 2018/2019, kéo theo tỷ lệ tồn kho/sử dụng tăng từ 54% niên vụ 2014/2015 đến 79% niên vụ 2018/2019. Do vậy, Trung Quốc vừa đẩy mạnh xuất khẩu gạo vụ cũ vừa giảm mạnh nhập khẩu.

“Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng quá thấp một phần đến từ nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 không khởi sắc. Xung đột thương mại Mỹ-Trung làm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không có đơn hàng mới, phải cắt giảm nhân công, tác động mạnh đến thu nhập và sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ yếu đi cũng làm hàng hóa nước ngoài đắt lên tương đối”, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phân tích.

Cùng với thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU giảm so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 20,5 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản giảm do giá đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu 1,22 tỷ USD. Có tới 6/9 mặt hàng xuất khẩu chính trong nhóm hàng nông sản, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm gồm: thủy sản, rau quả, hạt điều, gạo, cà phê, và sắn.

Phân tích về tình trạng xuất khẩu nông sản giảm, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tình trạng cung vượt cầu, tồn kho ngày càng lớn, kéo giá xuất khẩu giảm. Thêm vào đó, chủ nghĩa bảo hộ diễn biến ngày càng rõ ràng, phức tạp hơn, tác động của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung tới xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và cả một số thị trường khác.

“Chủ nghĩa bảo hộ ở nhiều nước đang ở quá mức cần thiết, xung đột thương mại Mỹ - Trung đang là rào cản cho xuất khẩu của Việt Nam”, ông Chinh nhìn nhận.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...