Cụ thể, liên quan đến nội dung tố cáo bổ nhiệm vợ, em ruột, em vợ của ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem lần lượt và liên tiếp tại các vị trí quan trọng thuộc các đơn vị thành viên của Vinachem đã gây nhiều bất bình trong nội bộ các đơn vị.
“Theo kết luận nội dung tố cáo đối với Tập đoàn Hóa chất và cá nhân ông Nguyễn Anh Dũng, Bộ đã yêu cầu thu hồi những quyết định bổ nhiệm sai, cắt chức vụ những cán bộ được bổ nhiệm không đúng quy định.
Theo đó, việc bổ nhiệm bà Lê Thị Thái Hường, vợ ông Nguyễn Anh Dũng, giữ chức phó trưởng ban tài chính kế toán tập đoàn từ tháng 7/2013 và được giao phụ trách ban này kể từ tháng 6/2016 được Bộ Công thương xác định việc bổ nhiệm không đảm bảo quy định pháp luật, vi phạm khoản 5, điều 37 Luật phòng chống tham nhũng về việc bổ nhiệm người thân, tham gia các gói thầu hoặc làm tài vụ, thủ quỹ, thủ kho doanh nghiệp.
Với trường hợp bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thiệu, được giữ chức trưởng ban đại diện vốn tập đoàn từ tháng 3/2014; sau đó, tháng 11/2014, được bổ nhiệm tiếp làm chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem và một năm sau là chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội.
Bộ Công thương cho rằng qua xem xét hồ sơ bổ nhiệm và hồ sơ cử đại diện vốn của ông Nguyễn Văn Thiệu cho thấy công tác đánh giá cán bộ theo quy trình bổ nhiệm tại Vinachem là chưa đầy đủ, chưa đảm bảo khách quan.
“Qua xem xét hồ sơ bổ nhiệm và hồ sơ cử đại diện vốn của ông Nguyễn Văn Thiệu đã cho thấy công tác đánh giá cán bộ theo quy trình bổ nhiệm tại Vinachem là chưa đầy đủ, chưa đảm bảo khách quan. Việc bổ nhiệm cũng chưa đánh giá đầy đủ mức độ hoàn thành nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của ông Thiệu khi công tác tại dự án Đạm Ninh Bình”, Bộ Công Thương kết luận.
Theo Bộ Công Thương, thanh tra tại dự án Đạm Ninh Bình, Thanh tra Bộ Công Thương cũng cho biết ông Thiệu đã ký một số tờ khai nhập khẩu thiết bị hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi hầu hết các thiết bị phải có xuất xứ từ Mỹ, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ.
Kể từ khi đi vào hoạt động, DAP số 2 liên tục thua lỗ tới 98% số lỗ kế hoạch của 3 năm đầu, tương đương 1.000 tỉ đồng. Đến ngày 31/12/2015 theo báo cáo tài chính thì số lỗ là 2.084 tỉ đồng.
Tại thời điểm công bố kết luận, thanh tra bộ đang tiến hành thanh tra tại dự án đạm Ninh Bình.
Một nội dung tố cáo khác cũng liên quan đến việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh, em ruột ông Nguyễn Anh Dũng, giữ chức phó ban kế hoạch - kinh doanh năm 2013 và sau là phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình được Bộ Công thương xác định là vi phạm khoản 5, điều 37 Luật phòng chống tham nhũng do thuộc đối tượng "người có liên quan".
Kết luận cho thấy, việc thực hiện quy trình bổ nhiệm của Tập đoàn và các cơ quan có thẩm quyền là chưa có đánh giá, nhận xét trước khi bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh. Do vậy chưa đảm bảo đúng quy định.
Về việc bổ nhiệm em vợ là bà Lê Thị Tân Hoa giữ chức vụ Trưởng phòng Kế toán thống kê tài chính của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Bộ Công Thương cho rằng, tố cáo bổ nhiệm sai quy định không đủ cơ sở, vì bà Hoa không thuộc đối tượng “người có liên quan” đối với ông Nguyễn Anh Dũng trong Luật Phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm bà này được kết luận là “đã tạo ra dư luận xã hội không tốt và là một trong các nguyên nhân phát sinh đơn thư khiếu kiện”.
Theo kết luận của Bộ Công Thương, Chủ tịch Vinachem còn có trách nhiệm trong việc bổ nhiệm ông Lê Hải Sơn giữ chức Phó giám đốc Công ty CP Xà phòng Hà Nội là không đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Vì vậy, Bộ Công thương đã yêu cầu Vinachem bãi bỏ các quyết định bổ nhiệm cán bộ trái quy định; yêu cầu hội đồng thành viên kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với ông Nguyễn Anh Dũng, các tổ chức, cá nhân trong đề xuất, bổ nhiệm cán bộ, cũng như đánh giá nhận xét cán bộ chưa khách quan, chưa đầy đủ.
Đồng thời, tập đoàn phải khẩn trương khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác bổ nhiệm cán bộ trong thời gian qua tại Vinachem và các đơn vị thành viên.
Trước đó, ông Nguyễn Anh Dũng đã bị Ban Bí thư xe, xét kỷ luật do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong việc quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Tập đoàn, gây hậu quả rất nghiêm trọng; để Tập đoàn và một số công ty không bảo toàn được vốn Nhà nước giao.
Thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện 4 dự án trọng điểm: Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc; Dự án sản xuất phân bón DAP số 2 tại Lào Cai; Dự án sản xuất phân bón DAP Hải Phòng.