Cổ phiếu “nóng”
Những thông tin về định hướng đầu tư dự án BĐS, nguồn lực tài chính, giá trị cổ phiếu… vừa được lãnh đạo Tập đoàn FLC chia sẻ tại hội thảo “Xu hướng dòng tiền trong bối cảnh bất động sản phân hoá” diễn ra chiều 8/4 tại Thanh Hoá.
Với loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, nhà ở do FLC đầu tư tại Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Quy Nhơn, Quảng Bình… ông Đặng Tất Thắng, Phó Tổng giám đốc FLC cho biết, Savills định giá giá trị phát triển các dự án của FLC hiện đã tăng lên tới 3,8 tỷ USD. Trong đo, quy mô đầu tư của các dự án BĐS dao động từ 3.000-7.000 tỷ đồng, và sắp tới sẽ công bố một số dự án khu đô thị có quy mô lên tới 15 nghìn tỷ đồng....
Trước sự tăng trưởng “thần tốc” về phát triển dự án FLC, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi “vì sao giá trị FLC lớn, tăng trưởng không ngừng mà giá cổ phiếu lại dưới mệnh giá”. Hiện, giá FLC giao dịch phổ biến ở mức 8.000-8.300 đồng/CP?
Trao đổi với nhà đầu tư, ông Trịnh Văn Quyết cho hay, “do là công ty đại chúng lớn có số lượng cổ đông, nhà đầu tư đông đảo nên giá cổ phiếu FLC tăng/giảm theo thị trường là bình thường. Ước tính, trên 75% số lượng nhà đầu tư nắm giữ FLC là cá nhân, họ phản ứng theo tín hiệu thị trường mà đôi khi không quan tâm tới tình hình, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp ra sao”.
Thực tế, ông Quyết thừa nhận giá cổ phiếu FLC đã giảm rất mạnh, nhất là sau các đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu thì giá FLC sụt giảm về dưới mệnh giá. Nhưng “sự trồi sụt của FLC hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến thị trường. Có thời điểm chúng ta thấy FLC tăng lên tới 50.000 đồng/CP, có lúc giảm về 5.000 đồng/CP… “, ông Quyết nói và cho biết thêm, “hiện chúng tôi đang đàm phán với các đối tác nước ngoài, quỹ đầu tư theo định hướng họ sẽ nắm giữ FLC lâu dài thì năm 2017 giá cổ phiếu FLC có thể tăng trưởng khả quan hơn, nhưng chắc chắn sẽ tăng lên về dài hạn”.
Với cổ phiếu ROS, ông Quyết cho biết mình sở hữu trên 75% cổ phần song ông không bán ra thì cổ phiếu ROS luôn có xu hướng tăng lên. Do đó, ông Quyết “khuyên” nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân nên duy trì nắm giữa bộ đôi cổ phiếu FLC – ROS cho mục tiêu đầu tư dài hạn.
Về nguồn lực đầu tư vào các dự án nghỉ dưỡng FLC, ông Quyết chỉ rõ, dòng tiền đến từ chính các nhà đầu tư, khách hàng, các quỹ đầu tư tài chính, thị trường chứng khoán. Cuối cùng, FLC mới cần huy động tín dụng ngân hàng. Thực tế, tổng dư nợ vay của FLC hiện mới chỉ ở mức 3.600 tỷ đồng. Số tiền này mới chỉ bằng tiền trả lãi của một số doanh nghiệp lớn khác.
“Cách làm của FLC là làm cuốn chiếu, làm ra sản phẩm và bán được hàng mới tiếp tục tái đầu tư, cân đối dòng tiền để giảm bớt áp lực vay nợ ngân hàng”, ông Quyết tiết lộ.
Với vị thế doanh nghiệp nhóm đầu về đầu tư BĐS nghỉ dưỡng, ông Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh: “Chúng tôi định vị dòng sản phẩm nghỉ dưỡng sẽ là chiến lược đầu tư lâu dài, mà FLC đã có kinh nghiệm, lợi thế và ít sự cạnh tranh”.
Nhanh nhưng chọn “an toàn”
Trước thông tin về dự án của FLC thi công sai phép, bị dừng thi công… ông Trịnh Văn Quyết cho hay, “Nếu chúng tôi chờ pháp lý chuẩn chỉ thì đến giờ khu này (FLC Sầm Sơn) vẫn chưa thể xây. Vì theo quy trình, thời gian phê duyệt dự án, chỉnh sửa mất hơn 1 năm, sau đó mới được thi công thì khó hoàn thành dự án sớmm như vậy”. Thực tế, các dự án của FLC có thời gian thi công “chóng vánh” chỉ từ 10-12 tháng.
“Chúng tôi không làm sai luật”, ông Quyết khẳng định, chia sẻ thêm với nhà đầu tư về quá trình triển khai các dự án. Trong đó, doanh nghiệp đã thực hiện theo cam kết đầu tư với chính quyền địa phương và từng giai đoạn dự án đều bổ sung, chỉnh sửa pháp lý theo đúng quy định…
Đơn cử, tại dự án ở Quảng Ninh, mặc dù địa phương đề nghị chủ đầu tư dừng thi công để hoàn thành đánh giá tác động môi trường (DTM). Theo ông Quyết, đến thời điểm này chủ đầu tư đã hoàn thành xong DTM, nhưng phía doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo tiến độ thi công như cam kết với chính quyền song song với tiến độ phê duyệt thi công dự án.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra đánh giá, phân tích và dự báo xu hướng phát triển các dòng sản phẩm BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng trong năm 2017 và tương lai.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nhu cầu sở hữu và đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang tăng lên khá nhanh. Do đó, các doanh nghiệp lớn đi trước đón đầu cơ hội bằng việc phát triển chuỗi dự án tổ hợp khách sạn, resort, sân gofl, vui chơi giải trí… Các thiên đường nghỉ dưỡng nằm ở ven biển tại các địa phương trọng điểm du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… đã và đang mọc lên loạt dự án đình đám của DN lớn. Gần đây, các doanh nghiệp lớn đẩy mạnh đầu tư vào các địa phương có tiềm năng tăng trưởng du lịch mạnh mẽ như Thanh Hoá, Quy Nhơn, Quảng Bình…
Các chuyên gia kinh tế đều đánh giá lạc quan về sự tăng trưởng đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam nhờ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách thu hút đầu tư quyết liệt, dòng tiền và thanh khoản tốt hơn…
>> CEO Tập đoàn FLC: “Chúng tôi không tham làm nhiều dự án…”