Phố Wall đi ngang sau đợt bán tháo, giá dầu sụt giảm, USD cao nhất hai năm

Chứng khoán Mỹ chốt phiên gần như không có thay đổi vào thứ Năm khi thị trường tiếp tục "nghiền ngẫm" thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ dự báo về số lần cắt giảm lãi suất và lạm phát có thể tăng cao hơn vào năm sau…

Phố Wall đi ngang sau đợt bán tháo, giá dầu sụt giảm, USD cao nhất hai năm

Kết thúc phiên 19/12, chỉ số Dow Jones nhích nhẹ 15,37 điểm (+0,04%) lên 42.342,24 điểm, S&P 500 mất 5,08 điểm (-0,09%) xuống còn 5.867,08 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 19,92 điểm (-0,10%) còn 19.372,77 điểm.

Mức tăng nhẹ trong ngày của Dow Jones là vừa đủ để giúp chỉ số này thoát khỏi chuỗi mười phiên giảm điểm liên tiếp – chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1974. Vào phiên trước, cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều ghi nhận đà giảm mạnh ngay sau cuộc họp chính sách của Fed, tại đó ngân hàng trung ương Mỹ đưa ra dự báo sẽ chỉ có 2 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2025, thay vì 4 lần như ước tính hồi tháng 9.

Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế mới công bố cho thấy diễn biến phù hợp với quan điểm của Fed, trong đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm nhiều hơn dự kiến, trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 được điều chỉnh tăng 3,1%, cao hơn so với mức 2,8% báo cáo trước.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ được hỗ trợ bởi dữ liệu kinh tế mới, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất trong gần 7 tháng là 4,594%.

Cổ phiếu ngành ngân hàng leo 0,3% khi lợi suất trái phiếu tăng giúp cải thiện lợi nhuận của các tổ chức tài chính. Ngoài ra, có nhiều kỳ vọng rằng chính quyền Trump 2.0 được kỳ vọng sẽ nới lỏng các quy định trong lĩnh vực này.

Cổ phiếu Micron lao dốc 16,2% do dự báo doanh thu và lợi nhuận quý thấp hơn kỳ vọng, kéo chỉ số bán dẫn PHLX giảm 1,6%. Cổ phiếu của công ty xây dựng Lennar giảm 5,2% cùng vì kết quả kinh doanh quý 4 không đạt kỳ vọng, do đó khiến chỉ số nhà ở PHLX mất 2,6%.

Chỉ số biến động CBOE, thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, giảm xuống mức 24,09 sau khi đóng cửa ở mức cao nhất trong hơn 5 tháng là 27,62 điểm vào ngày hôm trước.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 16,33 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 14,52 tỷ cổ phiếu của phiên giao dịch đầy đủ trong 20 ngày giao dịch gần đây.

“Thông điệp rõ ràng của Fed là lãi suất sẽ không giảm nếu lạm phát không tiếp tục hạ nhiệt. Chúng ta đã thấy áp lực lạm phát đang tăng lên một chút và đây là điều khiến Fed lo ngại. Thị trường đang dao động, vì chúng ta đang chứng kiến một số biến động lớn”, ông Tim Ghriskey, chiến lược gia danh mục cao cấp tại Ingalls & Snyder nhận định.

GIÁ DẦU TRƯỢT GIẢM

Trên thị trường năng lượng, giá dầu sụt giảm vào thứ Năm sau khi các ngân hàng trung ương tại Mỹ và châu Âu tỏ ra thận trọng đối với việc nới lỏng chính sách tiền tệ, qua đó làm gia tăng lo ngại rằng hoạt động kinh tế có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu vào năm sau.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 51 cent, tương đương 0,7%, xuống mức 72,88 USD/thùng. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI của Mỹ giảm giảm 64 cent, chốt ở mức 69,38 USD/thùng.

Vào Thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm đúng như dự đoán, nhưng Chủ tịch Jerome Powell lại cảnh báo rằng lạm phát dai dẳng sẽ khiến Fed thận trọng hơn khi cân nhắc kế hoạch lãi suất vào năm sau.

Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong hai năm, khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. “Tuyên bố của Fed đang khiến thị trường điều chỉnh lại dự báo cho năm sau”, ông Alex Hodes, nhà phân tích tại công ty môi giới hàng hóa StoneX cho biết.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ba động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025

Ba động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025

MSVN kỳ vọng VN-Index sẽ chạm mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025, nhờ vào sự bứt phá lợi nhuận 17,1% và thanh khoản thị trường cải thiện mạnh mẽ, các nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và bán lẻ được dự báo sẽ đóng vai trò “đầu tàu” dẫn dắt đà tăng trưởng này...