1. Người trẻ thường không biết thế nào là đủ: Những nghiên cứu của Jumpstart Coalition for Personal Financial Literacy (JCPFL) và National Longitudinal Survey of Youth (NLSY) cho thấy rất nhiều người trẻ thiếu hiểu biết về tài chính và kinh tế. Họ đang chi tiêu và vay mượn mà không biết rằng lãi suất đang tăng, hay tiền trong thẻ tín dụng không phải là miễn phí.
2. Xu hướng tiêu dùng đang trẻ hóa: Chế độ cấp tiền tiêu vặt hằng tuần là phổ biến ở các gia đình. Năm đô-la cho cửa hàng kẹo không hẳn là điều xấu, tuy nhiên đối với những đứa trẻ trong khoảng 11 – 12 tuổi thì việc tiêu tới 25 đô-la trong một tuần nên có sự chỉ dẫn của người lớn.
3. Ngày càng nhiều cám dỗ: Chỉ vài phút trên Internet, một đứa trẻ có thể dễ dàng tìm thấy nhiều hơn một món đồ chơi hay một đĩa CD và đặt hàng. Khi chúng lớn hơn, việc mua sắm trực tuyến trở nên quá dễ dàng. Điều quan trọng ở đây là cần nói với chúng về giá trị của việc tiết kiệm và không nên có sự thỏa mãn vật chất từ quá sớm.
4. Người trẻ bây giờ có nhiều cách để vay nợ hơn: Theo báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), năm 2008, có khoảng 53.000 tài khoản thẻ tín dụng sinh viên được mở thì năm 2009, đã có 2 triệu thẻ tín dụng sinh viên lưu hành. Những thỏa thuận giữa ngân hàng và các trường đại học giúp sinh viên dễ dàng vay nợ hơn. Ngày càng nhiều sinh viên thanh toán học phí, bên cạnh tiền mua sách giáo khoa hay các chi phí khác, qua thẻ tín dụng.
5. Nhìn chung, thế hệ trẻ đang nợ nhiều hơn: Nhiều sinh viên đại học ở độ tuổi 18 – 25 sở hữu ít nhất một thẻ tín dụng. Ở thời điểm tốt nghiệp, ít nhất một nửa trong số đó có tới 4 thẻ, thậm chí nhiều hơn, với số dư nợ trung bình trong thẻ là hơn 3.000 đô-la.
Như vậy, trong thời gian học đại học, càng về cuối họ càng gánh nhiều nợ hơn. Nếu được dạy về kiến thức tài chính ở trường trung học và đại học, họ sẽ tốt nghiệp mà ít bị nợ nần hơn.
6. Các khoản vay cho sinh viên đang ngày cao: Năm 2011, lần đầu tiên những khoản vay sinh viên (do nhà nước cho sinh viên vay để học đại học) chiếm một phần lớn hơn so với nợ thẻ tín dụng ở Mỹ. Trong khi các chi phí giáo dục tăng lên, cả thu nhập và trợ cấp của chính phủ lại không theo kịp.
Sinh viên đang phải đối phó với nợ nần nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng rất nhiều sinh viên phải tìm đến những khoản vay dưới chuẩn với mức rủi ro cao hơn.
7. Độ tuổi vỡ nợ đang trẻ hóa: Tình trạng này không phân biệt một ai: năm 2001, cứ năm người Mỹ trong độ tuổi 18 – 24 thì có một người tuyên bố phá sản, theo USA Today. Đây cũng chính là độ tuổi, theo nhân khẩu học, có sự gia tăng các trường hợp vỡ nợ nhanh nhất. Hầu hết những vụ vỡ nợ là kết quả của nợ tích lũy. Bởi vậy, những người trẻ hơn, dưới 15 tuổi cũng có thể đang đi trên con đường dẫn tới tương lai vỡ nợ.
8. Người trẻ trở nên biết tiết kiệm muộn hơn: Nhiều người trong số họ dành thời gian đi học nên bắt đầu sự nghiệp và có kế hoạch nghỉ hưu muộn hơn so với cha mẹ của họ. Việc một sinh viên chỉ bắt đầu có sự nghiệp ổn định sau tuổi 30 đang trở nên phổ biến. Nếu họ học được tầm quan trọng của việc tiết kiệm và đầu tư khi còn ở trường trung học hay khi lên đại học, điều đó sẽ khuyến khích họ bắt đầu sự nghiệp sớm hơn, làm việc chăm chỉ hơn để tránh lãng phí thời gian. Điều này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì lý do tiếp theo.
9. Chính phủ không phải khi nào cũng hỗ trợ được: Cùng với triển vọng gia tăng của quỹ hưu trí đang ngày càng mờ nhạt, có vẻ như các thế hệ người về hưu sau này sẽ không còn được hưởng những quyền lợi do nhà nước mang lại giống như cha mẹ họ trước đây. Vì vậy, hơn bao giờ hết, những người trẻ hôm nay sẽ phải học cách tiết kiệm và có sự đầu tư khôn ngoan hơn nếu họ mong muốn một ngày nào đó được nghỉ hưu trong sự thoải mái.
10. Không phải ai cũng được trao cơ hội như nhau: Những khảo sát của JCPFL cho thấy những thanh thiếu niên có hiểu biết nhất về tài chính thường xuất thân da trắng, giới tính nam và tới từ các gia đình có nền tảng học vấn tốt. Một nghiên cứu khác NLSY chỉ ra, những người trẻ hiểu biết về tài chính thường có cha mẹ có tiền tiết kiệm hưu trí dồi dào hay đầu tư chứng khoán.
Các dữ liệu cũng chứng tỏ rằng, sự hiểu biết về tài chính thường tập trung ở tầng lớp trung lưu và thượng lưu, trong khi tất cả mọi người đều phải đối mặt với những vấn đề về tài chính tương tự. Vì vậy, việc giáo dục những đứa trẻ sẽ giúp chúng bình đẳng hơn về cơ hội khi phải đối mặt với những vấn đề về tiền bạc.
Theo Emergingedtech.com