Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính ước đạt 2,5 tỷ USD, giảm 4,3%; lâm sản chính đạt 1,6 tỷ USD, tăng 10,2%. Còn các mặt hàng thủy sản chỉ ước đạt hơn 930 triệu USD, giảm gần 16%, chăn nuôi ước đạt 74 triệu USD, giảm 9,6%.
Trong tháng 2/2020, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kim ngạch 2,57 tỷ USD, dù tăng tới 33,6% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lại giảm 7% so với tháng 1/2020.
Hai tháng đầu năm, nhiều nông sản xuất khẩu chủ lực đã tăng mạnh cả về số lượng lẫn giá trị so với cùng kỳ. Cụ thể, mặt hàng gạo xuất khẩu đạt 890 nghìn tấn (tăng 27%), giá trị đạt 410 triệu USD (tăng 32,6%), tương tự sắn đã xuất 130 nghìn tấn (tăng 40%) và giá trị 27 triệu USD (tăng 69,8%). Ngành gỗ tiếp tục thể hiện vai trò chủ lực khi kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cao, đạt 1,53 tỷ USD, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, nhiều ngành hàng xuất khẩu giảm sút rõ rệt. Trong đó, giảm nhiều nhất là quế (đạt 11 triệu USD, giảm 39,0%), tiếp đó là cá tra (đạt 226 triệu USD, giảm 27,4%), hạt điều (84 triệu USD, giảm 17,4%); cao su (256 triệu USD, giảm 16,1%), rau quả (513 triệu, giảm 11,9%)…
Theo Bộ NN&PTNT, các mặt hàng trên có kim ngạch xuất khẩu giảm là do tháng 1 rơi vào tháng Tết, cùng đó, thị trường lớn nhất là Trung Quốc gặp khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Về nhập khẩu, tính chung 2 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chính ước đạt 3,45 tỷ USD, giảm hơn 10%.
Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa đối với các mặt hàng nông sản đến kỳ thu hoạch.
Thời gian tới, Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương thống nhất các phương án kết hợp với chuỗi siêu thị, chuỗi bán lẻ, chợ bán buôn trong nước hỗ trợ kết nối thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Bộ cũng sẽ tổng hợp thông tin, tình hình, số liệu để xây dựng báo cáo tình hình tiêu thụ nội địa và các giải pháp tháo gỡ khó khăn; rà soát, điều chỉnh kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2020, nhằm đáp ứng những thay đổi về thị trường xuất khẩu trước diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 và thị trường.