Chiều 29/8, 24 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã gửi thư về tình hình hoạt động và kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc kinh doanh đến Bộ Công thương, UBND TP HCM và Sở Công thương TP HCM.
Trong thư này, các doanh nghiệp đã bày tỏ nghi ngại với quỹ bình ổn giá. Các doanh nghiệp này nêu 5 vấn đề bất cập trong điều hành xăng dầu: Tại sao phải trích quỹ bình ổn? Trích quỹ bình ổn kỳ này có đúng mục đích chính phủ đề ra không và có phục vụ tốt cho xã hội chưa? Tại sao để các cửa hàng bán lẻ tư nhân lỗ liên tục mà không được đóng cửa. Như vậy liệu có làm méo mó định nghĩa về tự do kinh doanh không? Nếu vậy, tại sao Nhà nước không bù lỗ cho các cửa hàng bán lẻ tư nhân?
Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn cho biết, hiện với mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ 0 đồng, thậm chí với mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu 200 đồng thì đại lý vẫn không đủ duy trì hoạt động kinh doanh được. Bên cạnh đó, nguồn cung cũng rất hạn chế.
Trong khi đó, các loại chi phí vận hành đang ở mức cao, khiến doanh nghiệp càng hoạt động càng lỗ. Nhưng doanh nghiệp không được đóng cửa, bởi đóng cửa sẽ bị rút giấy phép.
Về kiến nghị, các doanh nghiệp này kiến nghị bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu vì không đúng với mục đích Chính phủ đề ra, và gây bất ổn trong điều hành giá.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng đề xuất Nhà nước nên bỏ ra số vốn nhất định nhập khẩu xăng dầu để duy trì an ninh năng lượng quốc gia, phân bổ cho các kho đầu mối lưu giữ (không được thâm hụt khi chưa được phép của Chính phủ) để đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp này kiến nghị rút giấy phép vĩnh viễn nếu không đảm bảo an ninh năng lượng, hoặc cố tình găm hàng tạo khan hiếm.
Đồng thời điều chỉnh mức chiết khấu hoa hồng tối thiểu 600 - 800 đồng/lít cho các cửa hàng bán lẻ để đủ sức duy trì hoạt động; rút ngắn thời gian điều hành giá trong vòng 24 giờ kể cả ngày nghỉ, lễ để tránh tình trạng găm hàng tạo ra khan hiếm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng kiến nghị được ký hợp đồng lấy xăng dầu từ nhiều đầu mối để vừa tăng sức cạnh tranh vừa đáp ứng được nguồn hàng.