4 nhà đầu tư ngoại cùng muốn đầu tư trung tâm điện lực LNG Cà Ná 49.000 tỷ đồng

Trong 5 nhà đầu tư đáp úng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 với vốn đầu tư khoảng 49.000 tỷ đồng có 4 nhà đầu tư ngoại và chỉ 1 nhà đầu tư là “thuần nội”.
4 nhà đầu tư ngoại cùng muốn đầu tư trung tâm điện lực LNG Cà Ná 49.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có quyết định công nhận các nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW.

Theo quyết định, có 5 nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm gồm: Liên danh Korea Consortium gồm Tổng công ty Năng lượng Hanwha - Tổng công ty Khí Hàn Quốc - Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc; Công ty Gulf MP Company Limited; Tập đoàn Jera Company Inc; Liên danh Công ty Total Gaz Electricite Holding France - Công ty Novatek Gas & Power Asia Pte - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) - Công ty Siemens Energy AG - Công ty Cổ phần Zarubezhneft; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam.

UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng tải danh sách nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án, đồng thời áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo quy định để lựa chọn nhà đầu tư.

Sở Công Thương được giao là đơn vị mời thầu và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện phải phối hợp chặt chẽ và thống nhất với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về các tiêu chí và giải pháp kỹ thuật cần thiết để lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực quản lý, tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật – công nghệ tiên tiến, hiện đại và tối ưu nhất theo quy định của pháp luật, bảo đảm cạnh tranh, công khai và bình đẳng; thống nhất với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về tiêu chí, phương án đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Dự án trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII, tiến độ vận hành vào năm 2025 - 2026. Các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Quy mô đầu tư dự án gồm: 1 nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW; cảng nhập khí LNG đáp ứng quy mô sản lượng thông qua cảng 4,8 triệu tấn/năm; kho chứa khí công suất 4x1,2 triệu tấn/năm, với 4 bồn chứa, mỗi bồn có sức chứa 180.000m3.

Diện tích xây dựng 1 nhà máy chính, công suất 1.500MW khoảng 20ha; diện tích hành lang và tuyến đường ống cấp, trạm bơm và ống thải nước làm mát khoảng 3,86ha; diện tích sàn phân phối điện khoảng 11,8ha; diện tích móng trụ đường dây 500 kV đấu nối khoảng 4,5ha; diện tích kho LNG và công trình tái hóa khí khoảng 29,5 ha.

Đối với diện tích mặt nước, diện tích cảng nhập LNG, hành lang và tuyến ống LNG khoảng 25ha; diện tích đê chắn sóng khoảng 12ha; diện tích cửa nhận nước của trạm bơm và tuyến ống thải nước làm mát khoảng 5,53ha.

Mới đây, ngày 13/9, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định điều chỉnh tiến độ đầu tư dự án trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 (điều chỉnh Quyết định số 2162 ngày 8/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận).

Theo đó, tiến độ đầu tư dự án được điều chỉnh hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án trong quý II/2022; hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý II/2026.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…