Nhà mạng lớn thứ 3 Việt Nam sẽ được định giá bao nhiêu và tỷ lệ bán cổ phần cho đối tác chiến lược hiện vẫn chưa có phương án cụ thể
Cuối tuần qua, đại diện Singtel đã có cuộc làm việc với Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Phạm Hồng Hải ngày 18/8 để bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia vào quá trình cổ phần hoá Mobifone. Singtel muốn mua cổ phần để trở thành đối tác chiến lược của Mobifone khi công ty này chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
“Bàn đạp” cho Singtel thâm nhập
Với mong muốn của Singtel, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết Bộ TT&TT luôn ủng hộ các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là việc đầu tư vào MobiFone. Song, phía Singtel sẽ phải làm việc với Mobifone để nắm tình hình về việc cổ phần hóa, sau đó Mobifone sẽ trình Bộ TT&TT xem xét đề nghị của Singtel. Theo ông Hải, việc định giá giá trị doanh nghiệp của MobiFone được chốt tại thời điểm 6/2015 và có hiệu lực trong 18 tháng. Nếu đến hết năm 2016 mà chưa bán cổ phần của MobiFone thì sẽ phải tiến hành định giá lại, tốn thêm thời gian 6 tháng nữa.
Sau khi định giá xong, Bộ sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa, trong đó có tiêu chí cụ thể về đối tác chiến lược. Được biết, Singtel là tập đoàn viễn thông hàng đầu châu Á với hoạt động kinh doanh, đầu tư trên toàn cầu, chú trọng các thị trường như Bangladesh, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Không chỉ Singtel, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước từ lâu đã mong chờ cơ hội hiếm có này vì Mobifone là nhà mạng lớn thứ ba Việt Nam, được xem là “bàn đạp” để thâm nhập sâu hơn vào thị trường viễn thông đầy tiềm năng này. Singtel ngỏ ý muốn tham gia vào quá trình cổ phần hoá Mobifone cho thấy sự chủ động tạo cơ hội “đặt gạch, xí chỗ”, chuẩn bị cho kế hoạch mua cổ phần chiến lược.
Cuối năm 2015, Mobifone mới được tách ra từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) để thực hiện cổ phần hoá trước. Hiện, Mobifone có vốn điều lệ trên 15.000 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con và Nhà nước vẫn sở hữu 100% vốn. VNPT cũng đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng 20% số tiền thu được từ việc bán cổ phần MobiFone để hỗ trợ VNPT tái cơ cấu.
Theo định hướng chiến lược, Mobifone sẽ tập trung vào bốn lĩnh vực kinh doanh cốt lõi gồm: dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình, truyền thông đa phương tiện. Đây đều là những mảng kinh doanh có thế mạnh và được Singtel tập trung đầu tư mạnh.
Đáng lẽ theo kế hoạch, Mobifone sẽ được cổ phần hóa vào đầu năm 2016. Nhưng mới đây, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc Mobifone mua 95% cổ phần công ty nghe nhìn toàn cầu (AVG). Việc mua cổ phần này sẽ ảnh hưởng tới việc định giá Mobifone nên kế hoạch cổ phần hoá bị chậm lại để chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Chưa ngã giá Mobifone
Với vị thế của nhà mạng lớn thứ ba Việt Nam, thời gian qua, Mobifone không ngừng lớn mạnh, với kết quả kinh doanh vượt xa cả “anh cả” Vinaphone cũng thuộc VNPT. Năm 2015, doanh thu của Mobifone tăng 8,29% đạt 36.900 tỷ đồng, tăng 8,29%, lợi nhuận đạt 7.395 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu vẫn ở mức cao, đạt 49,35%, nộp ngân sách 6.922 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2014.
Sự phát triển lớn mạnh của Mobifone đã tạo ra thế “chân vạc” VNPT - Viettel – Mobifone, góp phần tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh và bền vững.
Hồi tháng 4/2016, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết, 2016 là một năm rất quan trọng đối với nhiệm vụ cổ phần hóa Mobifone. Sau khi Chính phủ có ý kiến về giá trị doanh nghiệp của Mobifone, Bộ TT&TT cùng với Mobifone sẽ hoàn thiện phương án cổ phần hóa, tiến hành lựa chọn đối tác chiến lược và triển khai thực hiện, trên tinh thần “đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tài sản nhà nước khi cổ phần hóa không bị thất thoát”.
Liên quan đến công tác tái cấu trúc, Mobifone đang đẩy mạnh thoái vốn tại hai ngân hàng là SeAbank (Mobifone còn giữ 6,11%) và TPBank (tỷ lệ sở hữu còn 2,57%). Hiện nay, Mobifone đang phối hợp với đơn vị tư vấn phát hành báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp để làm cơ sở trình Ban chỉ đạo Cổ phần hóa phương án định giá và cổ phần hóa.
Được biết, việc cổ phần hóa MobiFone đã diễn ra từ năm 2006, khi đó có 9 tập đoàn tài chính, ngân hàng nước ngoài nộp hồ sơ thầu tư vấn về cổ phần hoá, như: Credit Suisse (Thuỵ Sỹ), Deutsche Bank (Đức), Goldman Sachs (Mỹ), Morgan Stanley (Mỹ), Rothschild (Đức) và UBS (Mỹ)... Credit Suisse đã trúng thầu thương vụ tư vấn này song do chi phí tư vấn quá cao nên việc hợp tác này bất thành.
Tháng 9/2015, lãnh đạo Mobifone cho biết đã nghiên cứu và lựa chọn công ty Chứng khoán Bản Việt tư vấn cổ phần hóa Mobifone. Đây là đối tác của Credit Suisse đã đồng hành với quá trình tiến hành tư vấn cổ phần hóa cho Mobifone từ năm 2006. Đến thời điểm này, Mobifone đáng giá bao nhiêu và sẽ bán bao nhiêu cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn là ẩn số.
Các nhà đầu tư đang “sốt ruột” tham gia mua cổ phần sẽ phải kiên nhẫn chờ đợi sau khi có kết luận từ Thanh tra Chính phủ, mà thời gian có thể kéo dài vài tháng, thậm chí hàng năm trời. Điều này khiến cho việc định giá Mobifone tiếp tục là biến số.
Theo Hải Hà/TBKD