Từ trái sang: Mickey Drexler, Marissa Mayer và Travis Kalanick
Năm 2017 chứng kiến sự chia tay công ty của nhiều CEO. Một số người rời đi sau nhiều năm cống hiến, một số khác lại gây bất ngờ hơn khi bắt buộc phải nói lời tạm biệt vì bị phanh phui nhiều việc làm sai trái.
Dù cho "về vườn" vì lý do gì, những cựu CEO này cũng để lại nhiều bài học lãnh đạo quý giá:
1. Travis Kalanick (Hãng taxi công nghệ Uber)
2017 là một năm nhiều phiền hà đối với Uber, khởi đầu bằng việc phải chi trả 20 triệu USD cho Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) để dàn xếp cáo buộc lừa dối về thu nhập thực tế trong chiến dịch thu hút tài xế từ năm 2013 – 2015.
Sau đó là làn sóng chỉ trích của nhân viên và cộng đồng về vị trí của CEO Travis Kalanick trong Ban cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dẫn đến việc Kalanick phải ra quyết định rời khỏi vị trí cố vấn hồi tháng 2/2017. Song song đó là sự xuất hiện của nhiều lời kêu gọi tẩy chay Uber sau khi Hãng bị cho là chống lại các cuộc đình công phản đối lệnh cấm đi lại của chính quyền Tổng thống Trump.
Tiếp theo là vụ cựu kỹ sư Susan Fowler viết một bài đăng trên blog cá nhân về việc bị phân biệt đối xử và quấy rối tình dục trong thời gian làm việc tại Uber. Bài viết dẫn đến một cuộc điều tra về vấn đề này tại Uber và Hãng đã phải thực hiện “đại tu toàn diện” về các giá trị văn hóa công ty. Đồng thời, Uber còn vướng vào một cuộc chiến pháp lý với Google về công nghệ xe tự lái.
Hồi tháng 6/2017, Kalanick tuyên bố từ chức, dù vẫn là thành viên hội đồng quản trị. Đến tháng 8/2017, cựu CEO Expedia là Dara Khosrowshahi lên đảm đương vị trí CEO Uber.
Bài học: Chúng ta gặt hái chính những gì mình đã gieo trồng. Một công ty có văn hóa ưu tiên sự tăng trưởng nhanh chóng hơn sự an toàn và các giá trị của nhân viên sẽ không thể duy trì sự phát triển một cách bền vững.
2. Richard Smith (Hãng báo cáo tín dụng tiêu dùng Equifax)
Sau một cuộc tấn công mạng khổng lồ làm tổn hại đến thông tin cá nhân của 143 triệu người, CEO Richard Smith của Equifax đã tuyên bố rời khỏi vị trí điều hành. Sau đó, một scandal mới lại bị phanh phui: đây không phải là lần đầu tiên Công ty bị hacker tấn công trong năm 2017.
Tuy nhiên, cách giải quyết của Equifax cho vấn đề này lại hứng chịu chỉ trích dữ dội khi bị cho là kém minh bạch. Cụ thể, trang web họ thiết kế để giúp khách hàng kiểm tra xem mình có bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công hay không lại đòi hỏi người dùng phải cung cấp số an sinh xã hội thì mới có thể truy cập thông tin.
Bài học: Hãy minh bạch với mọi thứ, cho dù vấn đề lớn nhỏ đến đâu. Bạn chỉ đánh mất lòng tin khi đặt khách hàng ở trong “bóng tối”.
3. Marissa Mayer (Hãng dịch vụ internet Yahoo)
Marissa Mayer rời khỏi Google để chuyển sang điều hành Yahoo vào năm 2012. Được kỳ vọng mang đến thành công cho gã khổng lồ công nghệ lừng lẫy một thời, nhưng “thời đại” của Mayer tại Yahoo lại được ghi dấu bởi nhiều vấn đề nan giải, bao gồm việc dồn sự tập trung vào mảng mobile và kỹ thuật số nhưng lại không mang lại lợi nhuận như mong đợi. Cùng với đó, Hãng còn bị hứng chịu nhiều cuộc tấn công mạng lớn, ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ người dùng.
Sau khi Verizon mua lại Yahoo, Mayer đã rời Công ty và “bỏ túi” gần 260 triệu USD, bao gồm 4,5 triệu cổ phiếu bà sở hữu có giá trị 236 triệu USD và khoản tiền đền bù trị giá 23 triệu USD.
Dù đã rời khỏi Yahoo với một số tiền kha khá, công – tội của bà Marissa Mayer vẫn còn đang được tranh luận.
Bài học: Các CEO vẫn chưa thể kết thúc hoàn toàn “nhiệm kỳ” của mình dù đã dứt áo ra đi.
4. Kwon Oh-hyun (Công ty sản xuất linh kiện điện tử Samsung Electronics)
Kwon Oh-hyun làm việc tại Samsung đã 32 năm và giữ vị trí CEO từ năm 2012. Ông tuyên bố từ chức ở thời điểm vài tuần sau khi người thừa kế Samsung Group – Jay Y.Lee vướng án tù 5 năm vì cáo buộc hối lộ. Đây là một thông tin gây sốc vì ở giai đoạn đó, Công ty đang được dự đoán sẽ có lợi nhuận kỷ lục 12,8 tỷ USD trong quý IV/2017.
Trong một lá thư gửi nhân viên, Kwon giải thích lý do quyết định rời ghế điều hành: “Tôi tin rằng đã đến lúc Công ty cần một sự khởi đầu mới, với một tinh thần lãnh đạo trẻ trung, mới mẻ, nhằm đối phó hiệu quả với những thách thức mới từ sự thay đổi nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin. Hơn bao giờ hết, đây là lúc Công ty cần có một nhà lãnh đạo mới”.
Bài học: Một nhà lãnh đạo mạnh mẽ biết khi nào công ty cần một tầm nhìn mới, thậm chí khi tầm nhìn đó không cần có họ ở vị trí lãnh đạo.
5. Howard Schultz (Công ty cà phê chuỗi Starbucks)
Hồi tháng 4/2017, Schultz rời khỏi ghế CEO để nhận vị trí Chủ tịch điều hành – một vị trí cho phép ông dành nhiều thời gian hơn cho các mục tiêu xã hội của Starbucks và sự tăng trưởng của các dòng sản phẩm cao cấp như chuỗi cửa hàng cà phê rang xay tại chỗ Starbucks Reserve Roasteries và các cửa hàng bán lẻ Starbucks Reserve.
Và đến đầu tháng 12/2017, Starbucks đã khai trương cửa hàng Starbucks Reserve đầu tiên tại Thượng Hải (Trung Quốc). Với diện tích hơn 2.700m2, đây cũng chính là cửa hàng Starbucks lớn nhất thế giới.
Bài học: Kiên trì nuôi dưỡng đam mê có thể dẫn chúng ta đến những kết quả lớn lao.
6. David Karp (Công ty mạng xã hội Tumblr)
Năm 2013, Tumblr được Yahoo mua lại với giá 1,1 tỷ USD. Tháng 6/2017, thương vụ Verizon mua lại Yahoo được hoàn tất, biến Tumblr trở thành công ty con của Oath – công ty sáp nhập từ Yahoo và OAL. Cuối tháng 11/2017, David Karp tuyên bố rời khỏi website do mình sáng lập từ năm 2007.
Trong thư gửi nhân viên, Karp chia sẻ về sự ra đi của mình: “Quyết định của tôi được đưa ra sau nhiều tháng suy nghĩ về những tham vọng cá nhân của mình. Và tôi luôn hy vọng về tương lai của Tumblr hoặc những tác động mà tôi biết rằng nó sẽ tạo ra. Lĩnh vực internet đang đứng trước những sự thay đổi lớn mà các bạn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nó. Các bạn đang là những người cầm lái, và tôi rất hứng thú muốn được nhìn thấy những điều các bạn sắp làm được”.
Bài học: Mọi thứ vẫn ổn nếu nhà điều hành muốn rời đi để chuyển hướng sang làm một điều gì đó mới mẻ.
7. Mickey Drexler (Hãng bán lẻ thời trang J.Crew)
Sau 14 năm giữ vị trí lãnh đạo tại J.Crew, tháng 6/2017, CEO 73 tuổi Mickey Drexler tuyên bố sẽ rời khỏi chiếc ghế điều hành. Thông tin này được ông đưa ra vào thời điểm 2 tháng sau khi bà Jenna Lyons rời khỏi vị trí Giám đốc sáng tạo Công ty.
Drexler – người đã đầu tư 100 triệu USD vào J.Crew và sở hữu 10% cổ phần Công ty – cho biết việc trao quyền điều hành lại cho Jim Brett vào tháng 7/2017 là quyết định của riêng ông.
“Tôi đã làm công việc điều hành các doanh nghiệp suốt 37 năm nay và lời tuyên bố hôm nay là một thay đổi lớn trong cuộc đời tôi. Tôi luôn là một người thiếu kiên nhẫn. Tôi đã làm việc ở đây 14 năm. Và tôi nghĩ đã đến lúc phải thay đổi”, Drexler trả lời một cuộc phỏng vấn với WWD. Tuy nhường lại vị trí điều hành, ông vẫn nắm giữ chức Chủ tịch của J.Crew.
Bài học: Hãy tự tạo ra những "nhiệm kỳ" hợp lý cho riêng mình.
8. Russell Simmons (nhà sáng lập Hãng thu âm Def Jam Recordings, CEO của Công ty truyền thông Rush Communications)
Simmons rời khỏi vị trí lãnh đạo ở cả hai công ty Def Jam Recordings và Rush Communications giữa thời điểm đang vướng các cáo buộc tấn công và quấy rối tình dụng vào cuối tháng 11/2017.
Bài học: Sự lạm dụng quyền lực không bao giờ được chấp nhận. Hãy chịu trách nhiệm về những hành động của mình.
9. Ken Chenault (Hãng hàng không American Express)
Chenault tuyên bố hồi tháng 10/2017 rằng ông sẽ nghỉ hưu vào năm nay 2018. “Tôi trân trọng mỗi ngày làm việc của mình trong suốt 37 năm sự nghiệp tại đây. Đây là một hành trình trải dài suốt giai đoạn có nhiều thay đổi sâu sắc trong ngành hàng không”, ông nói về quyết định của mình.
Ken Chenault làm CEO American Express từ năm 2000. Trong 2 năm cuối cùng tại vị, ông đã dẫn dắt Công ty vượt qua sự sụt giảm doanh thu bằng cách chuyển hướng tập trung sang đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ.