ABBank thêm một lần lỡ hẹn với cổ đông

Đại diện lãnh đạo ABBank cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2024 chưa đạt so kế hoạch đề ra, tuy nhiên, ngân hàng đã đi qua vùng trũng nhất và sẵn sàng nhìn lại bài học để vượt qua khoảng thời gian khó khăn này…

Sáng ngày 18/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank – mã chứng khoán: ABB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như kế hoạch kinh doanh năm 2025, phương án trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm và thay đổi nhân sự…

LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ NĂM 2024 CHƯA ĐẠT MỤC TIÊU ĐỀ RA

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2024, ABBank ghi nhận tổng tài sản đạt 176.619 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm 2023. Tổng dư nợ tín dụng là 110.099 tỷ đồng, huy động từ khách hàng đạt 109.960 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ thu phí dịch vụ và bảo lãnh trên tổng thu nhập giảm xuống 14,53%.

Lợi nhuận trước thuế của ABBank đạt 779 tỷ đồng, chỉ đạt được khoảng 80% so với kế hoạch đề ra. Phát biểu tại đại hội, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ABBank cho biết nguyên nhân đến từ việc tăng trưởng huy động ngân hàng còn thấp hơn tăng trưởng tín dụng, từ đó tạo ra sức ép cạnh tranh lãi suất.

Hội đồng quản trị cũng nhìn nhận những thiếu sót của ABBank khi thực hiện chuyển đổi, luân chuyển giám đốc kinh doanh đã dẫn đến việc không sát sao được với khách hàng, từ đó khiến tỷ lệ nợ xấu đi lên và lỗ nhiều tháng tại nhiều đơn vị kinh doanh.

Ông Kháng chia sẻ thêm, ABBank chưa bao giờ trải qua một bức tranh ảm đạm như vậy và thay mặt HĐQT xin chịu trách nhiệm trước cổ đông vì chưa thực sự sát sao với công tác lập kế hoạch và triển khai.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị ABBank Đào Mạnh Kháng nhận định: “Ngân hàng ABBank đã đi qua vùng trũng nhất vào năm 2024 và sẵn sàng nhìn lại bài học để đi qua khoảng thời gian này”.

Tại đại hội, Hội đồng quản trị ABBank đã trình cổ đông mục tiêu kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 131% so với thực hiện năm 2024. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đào Mạnh Kháng chia sẻ, bản thân ông cũng rất băn khoăn vì đã nhiều lần không thực hiện được kế hoạch đề ra, do vậy, lần này ban lãnh đạo đã tính toán rất kỹ xem tính khả thi để trình cổ đông kế hoạch trên.

Về các chỉ tiêu khác, ông Phạm Duy Hiếu, Tổng Giám đốc ABBank cho biết ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2025 dự kiến ở mức 200.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2024, huy động từ khách hàng tăng 5% lên 115.458 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng kỳ vọng tăng 16% lên 127.810 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 3% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

VẪN CHƯA CÓ KẾ HOẠCH CHIA CỔ TỨC

Trên tờ trình về việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2024, Hội đồng quản trị ABBank cho biết lợi nhuận sau thuế của ngân hàng trong năm 2024 là 627,2 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 470,4 tỷ đồng. Cùng với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng là gần 1.841 tỷ đồng, tổng lợi nhuận chưa phân phối của ABBank đang là 2.311 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị đề xuất sẽ để lại toàn bộ/chưa phân phối số lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2024 sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.

Bước sang phần thảo luận, các cổ đông của ngân hàng tiếp tục thể hiện sự không hài lòng khi giá cổ phiếu ABB thời gian qua không hề “khởi sắc” và cảm thấy “nóng ruột” vì rất lâu ngân hàng chưa hề có kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông.

Nhiều ý kiến thể hiện mong muốn ngân hàng có lịch trình, kế hoạch cụ thể hơn, nhất là trong bối cảnh thị trường đang đan xen giữa cơ hội và thách thức, đòi hỏi các quyết định mạnh mẽ và kịp thời.

Trả lời các câu hỏi của cổ đông, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vũ Văn Tiền nói: “Bao nhiêu năm ngân hàng ABBank đã nợ cổ đông quá nhiều về vấn đề chia cổ tức. Là một trong những cổ đông sáng lập từ khi ngân hàng mới nắm vốn 1 tỷ đồng, tôi luôn trăn trở vì chưa đáp ứng được kỳ vọng của cổ đông”.

Ông Tiền chia sẻ thêm, ngân hàng luôn đi đúng với tinh thần đảm bảo an toàn, bền vững và tránh rủi ro; thế nhưng không thể không thay đổi. ABBank cũng chủ động triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm cả việc tinh giản và tối ưu hoá bộ máy trên toàn hệ thống, bố trí lại nguồn lực để phù hợp với mô hình tổ chức mới.

Liên quan đến câu hỏi về giải pháp xử lý nợ, thu hồi vốn và trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn tài chính khi tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 của ABBank vẫn ở mức 2,48%; chủ tịch ABBank Đào Mạnh Kháng cho biết ngân hàng đã triển khai chủ trương thu hồi các khoản nợ xấu từ đơn vị kinh doanh về hội sở để xử lý tập trung, triệt để hơn; giúp các đơn vị kinh doanh giảm áp lực, tập trung vào nhiệm vụ phát triển thị trường, đồng thời tận dụng đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao tại hội sở để xử lý nợ hiệu quả hơn.

Ngân hàng cũng chủ động đầu tư mạnh vào nguồn lực, cơ chế vận hành cũng như công cụ pháp lý để hỗ trợ tối đa quá trình xử lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, quá trình xử lý nợ, đặc biệt là khâu tố tụng tại cấp huyện chuyển xuống cấp xã, là một trong những rào cản khiến tiến độ thu hồi chậm lại. Vì vậy, ABBank đang thực hiện kiến nghị, đề xuất một số cơ chế phối hợp với chính quyền địa phương để tháo gỡ, đồng thời đặt kỳ vọng vào sự chủ động và sáng tạo của đội ngũ xử lý nợ.

Có thể bạn quan tâm