
Sáng ngày 8/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 nhằm thông qua các nội dung quan trọng như: kế hoạch kinh doanh năm 2025, phương án tăng vốn và phân phối lợi nhuận…
QUÝ 1 HOÀN THÀNH 20% KẾ HOẠCH LỢI NHUẬN CẢ NĂM 2025
Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm ngoái. ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14% ước đạt 984.967 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ kỳ vọng đạt 728.409 tỷ đồng; cho vay khách hàng là 673.596 tỷ đồng, tăng khoảng 16-18% so năm rồi. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%, trong khi cuối năm 2024 là 1,49%.
Hé lộ về kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ngân hàng ACB cho biết, nợ xấu của ACB có dấu hiệu tích cực. Đến quý 1/2025, ngân hàng đã kiểm soát tốt nợ xấu, về mức 1,35% giảm từ 1,39% đầu năm và dự kiến kiểm soát tốt từ nay đến cuối năm. Về lợi nhuận dự kiến hoàn thành khoảng 20% kế hoạch năm. Tổng giám đốc ACB đánh giá đây là dấu hiệu tích cực.
"Nếu nói đến việc hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh cả năm thì ACB vẫn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 16%. Bởi ACB có thể mạnh về tín dụng khách hàng cá nhân, SME và kỳ vọng thị trường bất động sản dần hồi phục, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp trong năm nay. Với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra trong năm nay, ACB cũng có cơ sở để kỳ vọng hoàn thành mục tiêu từng quý và quý đầu năm cũng đã khả năng nên ngân hàng có cơ sở để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm, với mục tiêu trên 23.000 tỷ đồng trước thuế", ông Phát cho biết thêm.
Hội đồng quản trị ACB cho biết, năm 2025 là khởi đầu của giai đoạn chiến lược 5 năm (2025 - 2030). Mục tiêu chủ yếu nhất của chiến lược này là duy trì khả năng sinh lời (ROE) tối thiểu 20% như trong 5 năm vừa qua và từng bước gia tăng khả năng này.
Các mảng hoạt động liên quan đến khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính tiếp tục là các động lực tăng trưởng chính. Điểm mới của chiến lược là đầu tư nguồn lực nhiều hơn cho khối khách hàng doanh nghiệp, khối thị trường tài chính và các công ty con để gia tăng kết quả hoạt động.
CHIA CỔ TỨC 25%
Với kế hoạch tăng vốn điều lệ, ACB lên kế hoạch chia cổ tức năm 2024 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2024 và còn lại từ các năm trước chưa chia là gần 23.634 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị ACB trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với gần 11.167 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2025 với mức vốn sử dụng tương ứng là gần 12.842 tỷ đồng.
Với kế hoạch chia cổ tức trên, ACB dự kiến sẽ phát hành thêm gần 670 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm gần 6.700 tỷ đồng lên gần 51.367 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý 3/2025.
Tại đại hội, một cổ đông ACB kiến nghị rằng, không nên chia cổ tức bằng tiền mặt mà nên chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng lên vốn, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh.

Trả lời câu hỏi trên của cổ đông, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB cho biết, các năm trước, cổ đông của ACB cũng đã từng có kiến nghị nên chia cổ tức một phần bằng tiền mặt bên cạnh cổ phiếu và Hội đồng quản trị ngân hàng cũng đã cân nhắc để làm sao vốn cổ đông được tối ưu trong trung hạn và dài hạn. ACB vẫn tăng vốn qua hàng năm.
Theo Hội đồng quản trị ACB, việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết nhằm thêm nguồn vốn trung dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ; đồng thời có thêm nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, các dự án chiến lược của ngân hàng và nâng cao năng lực tài chính, thích ứng với biến động của thị trường. ACB cũng dự kiến trình đại hội thông qua việc niêm yết trái phiếu ra công chúng trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
Chia sẻ thêm về nguyên nhân 2 năm gần đây ngân hàng ACB đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá, ông Phát cho rằng, cạnh tranh trên thị trường huy động vốn, nhất là ở thị trường một ngày càng gay gắt nên ACB tăng cường huy động vốn qua việc phát hành trái phiếu và đã thành công trong các kế hoạch này.
Giữa tháng 3/2025 vừa qua, Hội đồng quản trị ACB đã thông qua kế hoạch phát hành tối đa 20.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 5 năm. Lãi suất sẽ được Tổng giám đốc ACB quyết định dựa trên nhu cầu của thị trường. Mục đích phát hành nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng theo ông Phát, lãi suất huy động đầu năm có tăng nhẹ, tuy nhiên với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Vì thế, trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) sẽ ổn định.
CHƯA CÓ KẾ HOẠCH BÁN VỐN VÀ IPO CHỨNG KHOÁN ACBS
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc ngân hàng ACB có tiếp tục kế hoạch bán vốn và IPO Công ty Chứng khoán ACBS trong thời gian tới, Chủ tịch Trần Hùng Huy cho biết, trong thời gian qua, ACB cũng đã có đàm phán với các đối tác để tìm kiếm cơ hội cho ACB, tuy nhiên ngân hàng vẫn chưa tìm kiếm được đối tác phù hợp nên ngân hàng đã ngưng kế hoạch này. Đồng thời, ACB cũng chưa có kế hoạch IPO ACBS mà tập trung đẩy mạnh hoàn thiện, phát triển ACBS.
Trong thời gian qua, ACB đã tăng vốn cho ACBS từ 7.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng và dự kiến trong tháng 4/2025 này tăng thêm 1.000 tỷ đồng cho ACBS. Với tiềm lực tài chính vững mạnh, Ngân hàng tin tưởng ACBS sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc. Ngoài ra, ACB cũng tăng năng lực tài chính cho Công ty quản lý quỹ trực thuộc… nhằm khai thác tốt tiềm năng của thị trường và gia tăng lợi nhuận.
Cụ thể, mới nhất, ACBS đã công bố Nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ. Cụ thể, ACB đã quyết định tăng vốn điều lệ của ACBS thêm 1.000 tỷ đồng, từ 10.000 tỷ lên mức 11.000 tỷ đồng. Toàn bộ do ACB góp thêm vốn, dự kiến thực hiện sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Theo phương hướng hoạt động năm 2025 ACBS vừa công bố, Hội đồng thành viên phê duyệt mục tiêu quy mô cho vay giao dịch ký quỹ (margin) tăng trên 75%, ước đạt 15.400 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2025 tăng trên 60% lên mức 1.350 tỷ đồng trước thuế.
Đồng thời, ACBS lên kế hoạch quy mô tổng tài sản dự kiến tăng trên 25%, ước đạt 32.850 tỷ đồng; quy mô vốn chủ sở hữu tăng trên 40% so với năm 2024, ước đạt 13.315 tỷ đồng.
Năm 2024, lũy kế cả năm ACBS ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt 2.534 tỷ đồng, tăng 51% so với năm trước đó. Kết quả, lợi nhuận sau thuế ở mức 683 tỷ đồng, tăng gần 73% so với năm 2023.