Mỹ áp thuế đối ứng 46%, ngân hàng Việt dính “đạn lạc”

Mặc dù chính sách thuế đối ứng chủ yếu nhắm vào lĩnh vực thương mại hàng hóa, nhưng ảnh hưởng gián tiếp đã bắt đầu lan sang ngành ngân hàng Việt Nam...

tin-dung-tieu-dung-3049.png

Ngân hàng Nhà nước đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng năm 2025 là 16%, thậm chí có thể đạt mức cao hơn, lên tới 17-18% trong điều kiện thuận lợi, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức từ 8% trở lên.

Tại thời điểm Ngân hàng Nhà nước đưa ra mục tiêu này, phần lớn các chuyên gia cũng như ngành ngân hàng kỳ vọng hoàn toàn có thể đạt được, nhờ sự tích cực của nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn vay ngay từ đầu năm ở các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư công.

Tuy nhiên, ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, có hiệu lực vào ngày 9/4/2025. Nhiều ý kiến lo ngại nếu việc áp thuế này có hiệu lực sẽ tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là xuất nhập khẩu – một trong những lĩnh vực được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Không những vậy, sắc lệnh trên tạo ra áp lực đáng kể lên tỷ giá, dòng vốn FDI và cả hệ thống ngân hàng trong nước.

RỦI RO TỪ THUẾ ĐỐI ỨNG VỚI HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VẪN Ở MỨC HẠN CHẾ

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặc dù chính sách thuế chủ yếu nhắm vào lĩnh vực thương mại hàng hóa, nhưng ảnh hưởng gián tiếp đã bắt đầu lan sang ngành ngân hàng – nơi đóng vai trò trung gian tài chính và cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Dù vậy, các chuyên gia nhận định mức độ tác động hiện tại chưa đáng lo ngại, phần lớn nhờ vào cơ cấu dư nợ hợp lý và chính sách tiền tệ được điều hành chủ động.

Việc áp thuế cao khiến hàng hóa Việt Nam gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường Mỹ. Điều này làm tăng nguy cơ giảm đơn hàng, doanh thu sụt giảm và dòng tiền của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Hệ quả là khả năng trả nợ ngân hàng suy giảm, đặc biệt với các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng tập trung vào thị trường Mỹ. Đồng thời, tâm lý thận trọng cũng có thể khiến nhu cầu vay mới chững lại.

Tuy nhiên, VCBS nhận định rủi ro hệ thống vẫn ở mức hạn chế. Dư nợ liên quan đến xuất khẩu hiện chỉ chiếm hơn 5% tổng dư nợ toàn ngành, trong khi dư nợ cho doanh nghiệp FDI vào khoảng 2%. Đây là những tỷ lệ đủ thấp để hệ thống ngân hàng duy trì sự ổn định trong bối cảnh biến động bên ngoài.

anh-chup-man-hinh-2025-04-09-luc-114351.png
Nguồn: VCBS

Dữ liệu cho thấy dư nợ cho vay các doanh nghiệp FDI phân bổ không đồng đều, chủ yếu tập trung tại nhóm ngân hàng quốc doanh. Tính đến cuối năm 2024, Vietcombank có dư nợ FDI đạt 147.778 tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng dư nợ; VietinBank là 99.486 tỷ đồng (5,78%); BIDV đạt 72.708 tỷ đồng (3,54%) và Agribank ở mức 2.814 tỷ đồng (0,16%).

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, dù đang đẩy mạnh tiếp cận nhóm khách hàng FDI, tỷ trọng dư nợ vẫn được duy trì ở mức kiểm soát. Cụ thể, VPBank có dư nợ FDI đạt 3.770 tỷ đồng (0,54%), Techcombank là 12.167 tỷ đồng (2,01%) và MBBank đạt 18.816 tỷ đồng (2,42%).

Tỷ trọng dư nợ thấp này đang đóng vai trò như một “vùng đệm” giúp hệ thống ngân hàng duy trì sức chống chịu tốt trước các cú sốc bên ngoài, hạn chế nguy cơ lan rộng rủi ro tín dụng từ nhóm doanh nghiệp dễ bị tổn thương bởi biến động thương mại.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vừa tổ chức, nhiều cổ đông của ACB cũng lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng tại ngân hàng.

Chia sẻ với cổ đông, Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết chính sách thuế quan mới của Mỹ đang gây ảnh hưởng lớn, qua đó tác động đến tỷ giá, dòng vốn FDI và tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, với danh mục tín dụng tập trung phần lớn vào khách hàng cá nhân (65%) và doanh nghiệp vừa và nhỏ (29%), ACB tự tin ít chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn.

Ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 đạt 16-18%, chủ yếu nhờ tín dụng cá nhân phục hồi. Dù đã rà soát lại danh mục sau khi chính sách thuế quan được công bố, ACB khẳng định chưa phát hiện rủi ro trọng yếu nào ở nhóm khách hàng FDI hoặc doanh nghiệp lớn.

ACB cũng cho biết tỷ lệ cho vay bất động sản của ngân hàng hiện chiếm chưa đến 20% tổng dư nợ, phần lớn là các dự án đầu ngành và có tài sản đảm bảo. Đáng chú ý, 98% tổng dư nợ của ACB hiện có tài sản đảm bảo, chỉ 2% là vay tín chấp, giúp ngân hàng kỳ vọng kiểm soát tốt nợ xấu trong thời gian tới.

ACB đánh giá mảng doanh nghiệp lớn và FDI vẫn còn dư địa phát triển khi mới chiếm khoảng 1% thị phần tín dụng toàn ngành. Dư nợ cho vay nhóm này tại ACB đang rất thấp, chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp đầu ngành có hệ sinh thái mạnh, ít phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. ACB dự kiến duy trì chiến lược phân tán rủi ro này trong 5 năm tới.

TỶ GIÁ CHỊU ÁP LỰC NHẤT THỜI

Tín dụng toàn ngành trong quý 1/2025 ghi nhận mức tăng 3,93%, gần gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này cho thấy hệ thống ngân hàng vẫn đang đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát, lãi suất huy động ổn định và lãi suất cho vay được duy trì ở mức thấp, các tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

anh-chup-man-hinh-2025-04-09-luc-114446.png
Nguồn: VCBS

VCBS đánh giá lãi suất cho vay sẽ có sự phân hóa theo từng ngành và mức độ rủi ro, nhưng xu hướng chung vẫn là nới lỏng nhằm thúc đẩy sản xuất – kinh doanh. Đây là một điểm sáng cho hệ thống ngân hàng, vừa đảm bảo sự ổn định tài chính, vừa góp phần vào mục tiêu tăng trưởng.

Tác động từ thuế đối ứng cũng đặt ra áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn. VCBS cho biết, tâm lý thận trọng từ nhà đầu tư quốc tế có thể làm chậm dòng vốn FDI và gây biến động trên thị trường ngoại hối. Tỷ giá tăng sẽ làm gia tăng chi phí vay ngoại tệ và ảnh hưởng đến thanh khoản USD, đặc biệt ở các ngân hàng có mức độ tiếp xúc lớn với nhóm doanh nghiệp FDI và xuất khẩu.

anh-chup-man-hinh-2025-04-09-luc-114510.png
Nguồn: VCBS

Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mới đây, bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, cho biết việc chính quyền Mỹ công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam đặt ra áp lực lớn trong việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, đòi hỏi sự cân bằng trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất.

Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước cam kết tiếp tục đồng hành cùng các tổ chức tín dụng, có các giải pháp bơm thanh khoản kịp thời và ổn định lãi suất điều hành để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Đại diện Vụ chính sách tiền tệ cho biết, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc giảm lãi suất cho vay. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo và tổ chức hội nghị với các tổ chức tín dụng để quán triệt về việc thực hiện các giải pháp ổn định lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay. Và trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng thực hiện ngay các giải pháp để tiết kiệm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những giải pháp điều hành trên trường mở như tái cấp vốn nhằm cung ứng nguồn vốn dài hạn, giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp nguồn vốn chi phí thấp để từ đó ổn định lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay. Theo số liệu của Vụ Chính sách Tiền tệ, lãi suất cho vay trong năm 2023 và 2024 đã giảm hơn 1% mỗi năm và từ đầu năm đến nay đã giảm thêm 0,4%.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát để điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng kịp thời, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng. Do đó, các tổ chức tín dụng không cần lo ngại về vấn đề thanh khoản cũng như "room" tín dụng mà tập trung thực hiện các giải pháp nhằm ổn định lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay.

Xem thêm

Thuế quan vô tình "cản trở" thỏa thuận TikTok Mỹ

Thuế quan vô tình "cản trở" thỏa thuận TikTok Mỹ

Theo Reuters đưa tin, thỏa thuận bán lại hoạt động TikTok Mỹ dường như đã bị hoãn lại sau khi phía Trung Quốc đưa ra tín hiệu phản đối trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang do thuế quan…

Có thể bạn quan tâm

Tỷ giá trước “cơn bão” thuế quan từ Mỹ

Tỷ giá trước “cơn bão” thuế quan từ Mỹ

Việc Mỹ áp mức thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam có thể gây ra những tác động đáng kể đến tỷ giá USD/VND, tuy nhiên giới phân tích vẫn lạc quan vào chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước và khả năng thích ứng của doanh nghiệp...