Cụ thể, HĐQT ACB cho rằng, hoạt động ngân hàng năm 2022 mặc dù khó khăn hơn nhưng vẫn có cơ hội xuất phát từ kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi và kinh tế trong nước đã xuống đáy sẽ đi lên nhanh hơn. Nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, nhất là từ quý 2/2022 và do đó đòi hỏi một sự chuẩn bị dài hạn hơn về nguồn vốn.
Việc quản trị và điều hành để vừa tiết giảm hợp lý chi phí vốn, vừa bảo đảm thanh khoản và nắm bắt cơ hội mở rộng cho vay là một vấn đề mà các ngân hàng sẽ đối diện thường trực trong năm 2022.
Năm 2022, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 558,187 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021. Tiền gửi khách hàng đạt 421,897 tỷ đồng, cũng tăng 11%. Dư nợ cho vay đạt 398,299 tỷ đồng, tăng 10% và sẽ được điều chỉnh tăng đến mức cao hơn khi có sự chấp thuận của NHNN. Lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu tăng đến 25%, kỳ vọng đạt 15,018 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Trong thời gian tới, ACB dự kiến phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 25%. Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 27,019 tỷ đồng lên 33,774 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý 3/2022.
Năm 2021, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 12,000 tỷ đồng, tăng 25% và vượt 13% kế hoạch. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 16% trong năm qua. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0.77%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện từ 160% lên 209%.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của ACB đạt 527.770 tỷ đồng, tăng 18,7% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 16,2% lên 361.913 tỷ đồng.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán SSI ước tính ACB sẽ đạt 14.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 24% so với cùng kỳ), nhờ tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt là 16% và 7%, NIM nới rộng 14 điểm cơ bản và chi phí tín dụng ở mức thấp hơn là 0,75%.
Về dài hạn, SSI kỳ vọng việc ACB tích cực đẩy mạnh số hóa, mở rộng thêm phân khúc khách hàng chiến lược mới và mở rộng ra các thành phố ở miền Bắc cũng sẽ mang lại kết quả.
Rủi ro đối với tăng trưởng của ACB bao gồm tỷ lệ nợ xấu mới hình thành cao hơn dự kiến; kinh tế phục hồi chậm hơn kỳ vọng và dự phòng trái phiếu chính phủ trong trường hợp lãi suất trái phiếu chính phủ tăng. Tuy nhiên, cũng có thể lãi dự thu theo dõi ngoại bảng được ghi nhận trong báo cáo kết quả kinh doanh nếu nợ tái cơ cấu hồi phục tốt, điều này có thể khiến NIM cao hơn 15 điểm cơ bản so với ước tính hiện tại.
Trên thị trường, đóng cửa phiên 16/3, cổ phiếu ACB đứng ở mức giá tham chiếu 32.800 đồng/cổ phiếu, thanh khoản gần 3,3 triệu đơn vị.