Vinamilk chính thức gỡ bỏ trần sở hữu khối ngoại là cơ hội vàng để các nhà đầu tư nắm quyền chi phối tại công ty sữa lớn nhất Việt Nam
Ngày 28/6, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) công bố nghị quyết của HĐQT thông qua việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở Vinamilk. Sau nhiều đồn đoán, cuộc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa và cũng là lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam sắp sửa diễn ra. Ai mới thực sự được hưởng lợi?
“Dọn đường” thoái vốn
Theo thông báo này, HĐQT công ty Vinamilk đã quyết định giao cho Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên thực hiện thủ tục báo cáo với các cơ quan chức năng có liên quan về việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Vinamilk theo quy định của pháp luật. Nói cách khác, nhà đầu tư nước ngoài sắp tới có thể nâng sở hữu lên mức tối đa 100% vốn điều lệ của Vinamilk.
Trước đó, Vinamilk cũng đã hoàn tất việc điều chỉnh ngành nghề kinh doanh như bước “dọn đường” cho việc nới room khối ngoại tại đây. Vì tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng đang rục rịch thoái vốn Nhà nước tại Vinamilk, song đến nay vẫn chưa công bố lộ trình thoái vốn cụ thể. Do đó, quyết định không hạn chế room ngoại của HĐQT Vinamilk dường như sẽ giúp cuộc đấu giá công khai cổ phiếu VNM do SCIC sở hữu đảm bảo được tính cạnh tranh cao nhất, hỗ trợ Nhà nước thu về lợi ích cao nhất khi thoái vốn. Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2016 của Vinamilk diễn ra cuối tháng 5/2016, lộ trình thoái vốn Nhà nước vẫn chưa có phương án rõ ràng.
Tại đại hội, bà Mai Kiều Liên, tổng giám đốc Vinamilk nói thẳng với cổ đông rằng, “không biết khi nào SCIC thoái vốn”. Thông tin này cũng đồng thời được xác nhận bởi Chủ tịch HĐQT – bà Lê Thị Băng Tâm. Trong khi đó, cổ đông bày tỏ băn khoăn, lo lắng về khả năng Vinamilk nới tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài, có lợi nhưng cũng có hại vì gia tăng nguy cơ bị thâu tóm, mất thương hiệu quốc gia...
Lãnh đạo Vinamilk cho biết, họ cũng “rất trăn trở khi thực hiện kế hoạch nới room ngoại”. Mục tiêu của Vinamilk là trở thành tập đoàn đa quốc gia, giá trị thương hiệu của VNM hiện giờ đã trị giá 7 tỷ USD. Do vậy, các cổ đông nước ngoài có tham gia đầu tư vào cũng vì thương hiệu quốc gia, chứ không bao giờ có câu chuyện xóa bỏ thương hiệu.
Trên sàn HOSE, sau khi Vinamilk chính thức phát đi thông tin nới room ngoại, cổ phiếu VNM đã bật tăng tới 4.000 đồng ngay giờ đầu công bố (ngày 28/6). Sau đó cổ phiếu tạm hạ nhiệt, nhưng chốt phiên ở mốc 140.000 đồng/cổ phiếu, tăng tới 3.000 đồng so với trước đó. Giá trị vốn hoá Vinamilk nâng lên mức 168.019 tỷ đồng.
Cơ hội vàng !
Theo bình chọn của Tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật Bản), Vinamilk là công ty sữa duy nhất trong ngành sữa Việt Nam có tên trong danh sách 300 công ty năng động nhất Châu Á. Theo số liệu Nikkei, tính đến ngày 14/3/2016, giá trị vốn hóa của Vinamilk ước tính đạt gần 7,3 tỷ USD, đây là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay.
Vốn điều lệ của Vinamilk hiện là hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 45,1%. Giá cổ phiếu VNM giao dịch quanh mức 139.000 – 144.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản tốt, có tính ổn định về giá... Với doanh nghiệp đứng đầu ngành sữa, giá trị thực sự của Vinamilk không chỉ nằm ở chỗ lợi nhuận của Vinamilk luôn tốt ở mức hai con số mỗi năm, mà ở nhiều lợi thế hiếm và vị thế doanh nghiệp lớn.
Theo nhận định của giới đầu tư, ai “nắm” được Vinamilk cũng có nghĩa là nắm lợi thế kinh doanh trên thị trường sữa một quốc gia, chứ không đơn thuần là nắm giữ một doanh nghiệp. Điều đó phản ánh rõ ở cơ cấu cổ đông “cô đặc” của Vinamilk, hiện tại ngoại trừ cổ đông Nhà nước nắm giữ phần lớn nhất hơn 45% và cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ phần nhỏ nhất, thì hơn 40% cổ phần của Vinamilk nằm trong tay 4 tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài.
Nhóm 4 tổ chức và quỹ này có tỷ lệ sở hữu tương đối đều trên dưới 10% vốn điều lệ. Hình thái sở hữu này lâu nay đã dấy lên nhiều đồn đoán về khả năng Nhà nước thoái vốn tại Vinamilk và quyết định “không hạn chế sở hữu ngoại” càng củng cố thêm đồn đoán này. Nhưng có thể thấy, lúc này lộ trình thoái vốn của SCIC chưa rõ ràng, thì về danh nghĩa, thông báo của HĐQT Vinamilk được hiểu là các nhà đầu tư nước ngoài không còn bị ràng buộc về tỷ lệ sở hữu tại đây.
Vì thế, cũng không loại trừ sẽ hình thành liên minh của các cổ đông ngoại hiện hữu tại Vinamilk, và mua thêm số cổ phần để đảm bảo tỷ lệ nắm giữ quá bán vốn điều lệ. Giả sử có liên minh này, với việc mua lại khoảng 10% vốn điều lệ Vinamilk – tương đương khoảng 25 – 32% tổng số cổ phần nhà nước chào bán, thì các nhà đầu tư ngoại sẽ nắm giữ vượt trên 50% vốn điều lệ Vinamilk.
Nói cách khác, giá bán cổ phần nhà nước tại Vinamilk chỉ thực sự “nổi sóng” trên tổng số 25 – 32% tổng số cổ phần chào bán. Phần sau đó sẽ chỉ là cuộc lướt sóng của những nhà đầu tư nhỏ lẻ với biến động về giá không lớn.
Do vậy, việc chia tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà nước tại Vinamilk thành báo nhiều “gói”, bán trong bao lâu, với điều kiện gì, có thể sẽ đóng vai trò quyết định trong việc Nhà nước thu được bao nhiêu tiền từ cuộc thoái vốn lịch sử này.
Theo Thu Hằng/TBKD