Có phiên bán thoả thuận gần 60 triệu cổ phiếu EIB với giá trị hơn 1.044 tỷ đồng
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu EIB gây chú ý khi hồi đầu năm 2019 bật tăng mạnh 27,5% lên mức kỷ lục 18.500 đồng/CP vào giữa tháng 2. Tuy nhiên sau đó những thông tin kém tích cực về hoạt động kinh doanh sa sút, khó khăn xử lý nợ xấu… cùng với thị trường điều chỉnh đã khiến cổ phiếu EIB giảm mạnh. Trong hơn một tháng 1, cổ phiếu EIB lình xình đi ngang quanh mức 17.000 đồng/CP với thanh khoản thấp chỉ vài chục đến 400.000-600.000 CP/phiên.
Nhưng kể từ ngày 28/3, EIB bất ngờ được giao dịch thoả thuận với khối lượng lớn lên tới 17,67 triệu đơn vị. Liên tiếp nhiều phiên sau đó, khối lượng EIB được sang tay ở phiên thoả thuận rất lớn, từ 3 đến 59,67 triệu đơn vị mỗi phiên. Tổng khối lượng được giao dịch thoả thuận lên tới 203,7 triệu đơn vị, ước tính giá trị hơn 3.544 tỷ đồng.
Cho đến nay, chưa có thông tin cổ đông lớn nào giao dịch khối lượng cổ phiếu EIB trong thời điểm này.
Tính chung từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 340 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch thoả thuận, chiếm khoảng 28% lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng này.
Đáng chú ý, các giao dịch thỏa thuận lớn của Eximbank xuất hiện từ ngày 28/3/2019 – chính là thời điểm ngân hàng vướng lùm xùm tranh chấp bầu HĐQT mới. Theo đó, ngày 22/3/2019, HĐQT Eximbank đã họp và miễn nhiệm ông Lê Minh Quốc khỏi chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng, đồng thời bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc NamABank nắm giữ ghế Chủ tịch.
Sóng gió bắt đầu nổi lên khi ông Lê Minh Quốc lên tiếng “tố” những dấu hiệu bất thường của HĐQT Eximbank, trong đó có việc triệu tập cuộc họp HĐQT ngày 22/3/2019 và ra Nghị quyết 112 về miễn nhiệm/bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT. Cho rằng quyết định miễn nhiệm là không đúng và trái luật, ông Lê Minh Quốc đã khiếu nại lên toà án và đến ngày 27/3/2019, toà án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm tạm dừng thực hiện Nghị quyết 112 của HĐQT Eximbank, chờ giải quyết tranh chấp…
Eximbank đã phát đi thông cáo phủ nhận cáo buộc trên của ông Lê Minh Quốc và khẳng định, việc HĐQT Eximbank tổ chức phiên họp ngày 22/3 để bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú là theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và theo điều lệ Eximbank.
Cuộc tranh chấp bầu nhân sự lãnh đạo HĐQT tại Eximbank vẫn chưa “hạ nhiệt” và được dự báo sẽ càng “nóng” hơn khi sắp cận kề cuộc họp ĐHCĐ thường niên sẽ diễn ra ngày 26/4 tới đây. Hiện, ngân hàng vẫn đang hoạt động trong tình trạng Chủ tịch HĐQT mới bầu chưa được công nhận chính thức.
Liên quan tới hoạt động kinh doanh, Eximbank cũng nằm trong diện sẽ bị Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán hoạt động xử lý nợ xấu, mà nhà băng này gặp nhiều khó khăn. Báo cáo tài chính quý 4/2018 cho thấy, Eximbank có hơn 1.921 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2018. Trong đó, nợ có nguy cơ mất vốn chiếm 954 tỷ đồng. Tổng số dư dự phòng rủi ro là hơn 1.071 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế cả năm 2018 chỉ ở mức 827 tỷ đồng và lãi sau thuế 660 tỷ đồng, giảm gần 20% so với năm trước.
Đơn vị kiểm toán KPMG cũng nhấn mạnh Eximbank có khoản 746 tỷ đồng nợ xấu phát sinh đối với khoản cho vay 7 khách hàng được đảm bảo bằng gần 75 triệu cổ phiếu STB của Sacombank. Từ năm 2016, Eximbank đã khởi kiện nhóm 7 khác hàng để thu hồi nợ. Hiện mới chỉ có bản án sơ thẩm cho phần nợ của 3 khách hàng phải thanh toán cả lãi và gốc là 438 tỷ đồng. Số còn lại đang phải chờ quyết định của toà để xử lý tài sản. Nếu trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản vay này theo Thông tư 02 và 09 thì chi phí dự phòng sẽ tăng lên 97,6 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế bị giảm 78 tỷ đồng.
Trong phiên ngày 12/4, cổ phiếu EIB của Eximbank đang giao dịch ở ngưỡng 17.400 đồng/CP, giá trị vốn hóa nhà băng này hơn 21.500 tỷ đồng. So với hồi đầu năm, cổ phiếu EIB đã tăng gần 25%, đi ngược với xu hướng trồi sụt của thị trường chung. |