Cũng tại đại hội lần này, Hội đồng quản trị Tập đoàn Trí Việt dự kiến trình cổ đông thông qua bầu bổ sung thay thế 1 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023-2028. Nếu tổ chức thành công, Hội đồng quản trị của Tập đoàn Trí Việt sẽ giải quyết được một phần gánh nặng liên quan đến việc ông Tùng bị bắt.
Rắn vẫn đang mất đầu
Tập đoàn Trí Việt dự kiến trình cổ đông thông qua miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Phạm Thanh Tùng do không đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định. Ông Tùng là Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020-2024 và cũng là người sáng lập ra Chứng khoán Trí Việt và Tập đoàn Trí Việt.
Ông Tùng đã bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra Quyết định khởi tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán, căn cứ theo Quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Louis Holdings, Công ty Cổ phần Louis Capital, Công ty Cổ phần Louis Land, Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt vào ngày 20/4/2022.
Phía Tập đoàn Trí Việt từng khẳng định, vụ việc này là trách nhiệm cá nhân của ông Tùng và chưa có kết luận chính thức đồng thời không tác động hay làm thay đổi các định hướng kinh doanh, đồng thời không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông và khách hàng đang có giao dịch với công ty.
Ông Phạm Thanh Tùng là người sáng lập Chứng khoán Trí Việt và Tập đoàn Trí Việt. Năm 2006, ông Tùng mua lại Công ty Cổ phần Chứng khoán Thái Bình Dương và đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt, sau đó thành lập tiếp Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (Tập đoàn Trí Việt) hiện nay.
Ông Tùng hiện đang sở hữu trực tiếp 8,35 triệu cổ phiếu TVC của Tập đoàn Trí Việt tương đương với 7.04% vốn điều lệ. Trước đó, ngày 7/12/2022, ông Tùng có đăng ký mua 1.500.000 cổ phiếu TVC theo phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh nhưng khi chưa kịp thực hiện giao dịch thì ông Tùng đã bị bắt. Chính vì vậy, kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu của ông Tùng đã thất bại.
Trước đó, trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10/2022, ông Phạm Thanh Tùng đã liên tục đăng ký mua khoảng 1 triệu cổ phiếu TVC nhưng chỉ thực hiện mua thành công khoảng 500.000 cổ phiếu. Lý do không thực hiện giao dịch đủ cổ phiếu đăng ký là do yếu tố cung cầu thị trường.
Việc ông Tùng bị bắt và khởi tố cũng như việc Tập đoàn Trí Việt miễn nhiệm chức vụ của ông Tùng không khiến ông Tùng không còn là "cổ đông lớn" của công ty cũng như bác bỏ quyền biểu quyết của ông Tùng trong các quyết định điều hành của Hội đồng quản trị. Vừa là người sáng lập đồng thời là cổ đông lớn có quyền biểu quyết, ông Tùng vẫn có những "quyền lực mềm" nhất định tại Tập đoàn Trí Việt. Việc miễn nhiệm vốn dĩ chỉ là một thủ tục mang tính hành chính.
Hiện, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Tùng và Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Louis Holdings Đỗ Thành Nhân cùng 6 bị can khác về tội Thao túng thị trường chứng khoán của hai mã cổ phiếu BII của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bảo Thư và TGG của Công ty Cổ phần Trường Giang. Khung hình phạt gồm phạt tiền tối đa 4 tỷ đồng hoặc phạt tù 2-7 năm.
Ai đủ khả năng thay thế ông Phạm Thanh Tùng?
Theo báo cáo tình hình quản trị Tập đoàn Trí Việt năm 2022, ông Phạm Thanh Tùng vẫn được ghi nhận giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn này. Tổng Giám đốc tập đoàn hiện nay là bà Nguyễn Thị Hằng.
Ngày 15/2 vừa qua, Tập đoàn Trí Việt thông báo về giao dịch cổ phiếu của người có liên quan của người nội bộ. Cụ thể, bà Phạm Thị Thanh Huyền, chị gái ông Phạm Thanh Tùng đã đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu TVC theo hình thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh từ ngày 21/2 - 21/3/2023.
Dự kiến, bà Huyền sẽ chi khoảng 20 tỷ đồng cho thương vụ này. Nếu thành công, bà Huyền sẽ tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Tập đoàn Trí Việt lên 1,69%. Trước đó, bà Huyền không nắm giữ lượng cổ phiếu nào của tập đoàn này.
Em gái của ông Tùng, bà Phạm Thanh Hoa cũng đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu TVC theo hình thức khớp lệnh hoặc thoả thuận. Thời gian thực hiện là từ 27/1/2023 đến 24/2/2023. Trước khi thực hiện giao dịch, bà Hoa không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào. Nếu giao dịch thành công, bà Hoa cũng sẽ nắm giữ lượng cổ phần tương đương bà Huyền, chị gái ông Tùng.
Ngoài ra, ông Bùi Minh Tuấn - Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Trí Việt cũng thông báo mua vào 2 triệu cổ phiếu TVC từ ngày 19/12/2022 đến 18/1/2023, nâng tỷ lệ sở hữu từ 630.000 cổ phiếu lên 2,63 triệu cổ phiếu. Khi giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Tuấn tại Tập đoàn Trí Việt được nâng từ 0,53% lên 2,2% vốn điều lệ. Tuy nhiên, sau đó, Tập đoàn này thông báo ông Tuấn không thực hiện mua lượng cổ phần đã đăng ký. Lý do được đưa ra là "thay đổi định hướng đầu tư do tài chính cá nhân và hiện trạng thực tế chưa phù hợp".
Như vậy, trong thời gian khoảng 1 tháng trước thời điểm tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, Tập đoàn Trí Việt liên tục xuất hiện các giao dịch của người liên quan đến cổ đông nội bộ với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại tập đoàn này.
Đến nay, việc ai có thể ngồi vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Trí Việt vẫn còn là một dấu hỏi nhưng không loại trừ khả năng người liên quan đến ông Tùng sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại tập đoàn này và dần bước vào Hội đồng quản trị tập đoàn. Như vậy, "tầm ảnh hưởng" của ông Tùng và Tập đoàn Trí Việt vẫn khó giảm bớt.
Tập đoàn Trí Việt có hoạt động chình là Quản lý tài sản đóng vai trò Bên Mua (Buy Side) trong khi Chứng khoán Trí Việt (TVB) là một đơn vị đầu tư với chức năng bên bán. Việc ổn định được Hội đồng quản trị cũng như Chủ tịch Hội đồng quản trị là khâu quan trọng để Tập đoàn Trí Việt có thể kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp cao để triển khai các kế hoạch kinh doanh trong năm 2023.