Ấn Độ vượt Hồng Kông để trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 7 thế giới

Ấn Độ đã vượt qua Hồng Kông để trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ bảy trên thế giới khi sự lạc quan về triển vọng kinh tế của đất nước tỷ dân ngày càng tăng…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đường phố Mumbai, Ấn Độ
Đường phố Mumbai, Ấn Độ

Tính đến cuối tháng 11/2023, tổng vốn hóa thị trường của Sở giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ là 3,989 nghìn tỷ USD, nhỉnh hơn một chút so với mức 3,984 nghìn tỷ USD của Hồng Kông, theo dữ liệu từ Liên đoàn các sàn giao dịch thế giới cho thấy.

Chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ đã ghi nhận một mốc cao cao kỷ lục vào 11/12. Nó đã tăng gần 16% trong năm nay và đang hướng tới năm tăng thứ tám liên tiếp. Ngược lại, chỉ số Hang Seng chuẩn của Hồng Kông đã giảm 18% từ đầu năm đến nay.

Ấn Độ là một trong những thị trường nổi bật trong năm nay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những động lực chính cho điều này phải kể đến yếu tố thanh khoản tăng, sự tham gia sôi nổi trong nước và môi trường vĩ mô toàn cầu được cải thiện, điển hình như lợi suất Kho bạc Mỹ giảm.

Mức tiêu dùng mạnh mẽ ở Ấn Độ đang thu hút các nhà đầu tư, với việc người dân khá giả chi tiêu nhiều hơn vào bất động sản và hàng xa xỉ, đồng thời chi tiêu vốn của chính phủ cho cơ sở hạ tầng cũng ngày càng tăng.

Theo IMF, Ấn Độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm nay, dự kiến sẽ tăng trưởng 6,3%. Pratik Gupta, giám đốc điều hành tại Kotak Securities ở Mumbai cho biết: “Khi bạn nhìn khắp thế giới, không phải quốc gia nào cũng thấy được mức tăng trưởng GDP thực tế hơn 6% trên cơ sở bền vững 15-20 năm tới”.

Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, mà các nhà phân tích dự đoán có thể là một chiến thắng khác cho Đảng Bharatiya Janata. Diễn biến này hứa hẹn sẽ mang đến một đợt tăng giá tiếp theo trong ba đến bốn tháng đầu năm 2024 do kỳ vọng về tính nhất quán của các chính sách, HSBC nhận xét trong một lưu ý.

HSBC chỉ ra rằng, cổ phiếu ngân hàng, chăm sóc sức khỏe và năng lượng là những lĩnh vực có vị thế tốt nhất trong năm tới.

Các lĩnh vực như ô tô, bán lẻ, bất động sản và viễn thông cũng có tiềm năng tương đối tốt cho năm 2024, trong khi hàng tiêu dùng nhanh, tiện ích và hóa chất nằm trong số những ngành được HSBC phân loại là không thuận lợi.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lại ghi nhận năm sụt giảm thứ tư liên tiếp và là thị trường có kết quả “buồn” nhất trong số các thị trường chứng khoán lớn ở châu Á-Thái Bình Dương.

Vào đầu tháng 11/2023, chính quyền Hồng Kông cho biết họ dự kiến nền kinh tế sẽ tăng trưởng 3,2% vào năm 2023, cắt giảm từ mức dự báo 4% vào tháng 8.

Chính quyền thành phố đã cảnh báo rằng, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng và điều kiện tài chính thắt chặt tiếp tục đè nặng lên đầu tư, xuất khẩu hàng hóa và tâm lý tiêu dùng.

“Hy vọng rằng nền kinh tế Hồng Kông sẽ có được cuộc hạ cánh nhẹ nhàng vào năm 2024. Trọng tâm của sự phục hồi này là hồi sinh du lịch từ đại lục, củng cố lĩnh vực bán lẻ và ăn uống”, các nhà kinh tế tại DBS đánh giá.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023. GDP quý 3 của nước này đạt 4,9%, củng cố thêm hy vọng rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đáp ứng hoặc thậm chí vượt quá mong đợi.

Có thể bạn quan tâm