Đây là kết quả từ chương trình đánh giá an ninh mạng được Tập đoàn công nghệ Bkav thực hiện vào tháng 12/2016. Mã độc mã hóa dữ liệu Ransomware, virus lây qua USB, vấn nạn tin nhắn rác và nguy cơ từ các cuộc tấn công có chủ đích APT là những chủ điểm nóng nhất của năm 2016.
Bùng nổ mã độc mã hóa dữ liệu Ransomware
Đúng như dự báo trong tổng kết cuối năm 2015 của các chuyên gia Bkav, năm 2016 đã ghi nhận sự bùng nổ của mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền ransomware. Thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav cho thấy, có tới 16% lượng email lưu chuyển trong năm 2016 là email phát tán ransomware, nhiều gấp 20 lần năm 2015.
"Cứ trung bình 10 email nhận được trong năm 2016 thì người sử dụng sẽ gặp 1,6 email chứa ransomware, một con số rất đáng báo động.
Ransomware chuyên mã hóa các file dữ liệu trên máy, khiến người sử dụng không thể mở file nếu không trả tiền chuộc cho hacker. Số tiền chuộc khổng lồ hacker kiếm được chính là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ của loại mã độc nguy hiểm này. Để phòng tránh, tốt nhất người dùng nên trang bị cho mình phần mềm diệt virus để được bảo vệ tự động, luôn mở file tải về từ email trong môi trường cách ly an toàn Safe Run.
Virus USB chưa hết thời
Việc cắt bỏ tính năng Auto Run trong các hệ điều hành của Microsoft không làm cho virus USB trở nên hết thời. Theo chương trình đánh giá an ninh mạng 2016 của Bkav, tỷ lệ USB bị nhiễm virus trong năm 2016 vẫn ở mức rất cao 83%, không giảm so với 2015.
Lý giải điều này, các chuyên gia của Bkav phân tích, nỗ lực của Microsoft chỉ hạn chế được các dòng virus lây trực tiếp qua Auto Run như W32.AutoRunUSB. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh của dòng W32.UsbFakeDrive, dòng virus không cần AutoRun vẫn có thể lây nhiễm chỉ với một cú “click” khiến cho USB tiếp tục là nguồn lây nhiễm virus phổ biến nhất. Theo thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav, có tới 16,7 triệu lượt máy tính được phát hiện là nhiễm virus lây qua USB trong năm 2016. Trong đó chỉ 11% là đến từ dòng virus lây trực tiếp bằng Auto Run, còn tới 89% là dòng W32.UsbFakeDrive.
Đã đến lúc phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng USB để hạn chế sự lây lan của virus. Người dùng cá nhân cần trang bị phần mềm diệt virus thường trực để quét USB trước khi sử dụng, hạn chế sử dụng USB trên các máy lạ. Với các cơ quan doanh nghiệp, cần trang bị giải pháp kiểm soát chính sách an ninh đồng bộ, trong đó có kiểm soát, phân quyền sử dụng USB theo nhu cầu và độ quan trọng của từng máy.
Tấn công có chủ đích APT - quả bom hẹn giờ
Vụ việc Vietnam Airlines bị tấn công ngày 29/07/2016 là cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ các cuộc tấn công có chủ đích APT tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Từ năm 2012, hệ thống quan sát của Bkav đã phát hiện mạng lưới phần mềm gián điệp tấn công có chủ đích APT xuất hiện tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Kịch bản tấn công APT thường được hacker sử dụng là gửi email đính kèm file văn bản chứa mã độc. Với tâm lý cho rằng file văn bản thì an toàn, rất nhiều người sử dụng đã mắc lừa và mở file đính kèm, sau đó máy tính đã bị nhiễm mã độc. Theo thống kê năm 2016 của Bkav, có tới hơn 50% người dùng cho biết vẫn giữ thói quen mở ngay các file được đính kèm trong email, không giảm so với năm 2015.
Để phòng ngừa nguy cơ tấn công APT, Bkav khuyến cáo người sử dụng nên mở các file văn bản nhận từ Internet trong môi trường cách ly Safe Run và cài phần mềm diệt virus thường trực trên máy tính để được bảo vệ tự động.
Theo các chuyên gia của Bkav, với thực trạng nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã bị nhiễm mã độc gián điệp nằm vùng, năm 2017 sẽ còn tiếp tục chứng kiến nhiều cuộc tấn công có chủ đích APT với quy mô từ nhỏ tới lớn. Mã độc mã hóa tống tiền tiếp tục bùng nổ, xuất hiện nhiều hình thức phát tán tinh vi và biến thể mới. Mã độc trên di động tiếp tục tăng với nhiều dòng mã độc khai thác lỗ hổng nhằm chiếm quyền root, kiểm soát toàn bộ điện thoại.