Tại sự kiện Up Summit ở Bentonville thuộc tiểu bang Arkansas (Mỹ) vào ngày 29/9 (giờ địa phương) vừa qua, Venus Aerospace - một công ty hàng không vũ trụ của Texas đã trình làng chiếc máy bay phản lực có tên gọi Stargazer, cùng với động cơ cung cấp năng lượng cho máy bay.
Stargazer sẽ là máy bay siêu thanh - có nghĩa là nó có thể bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh đồng thời cũng có thể bay cao hơn các loại máy bay khác.
Nếu được phép sử dụng cho mục đích thương mại, chiếc máy bay phản lực trị giá 33 triệu đô la này có thể hoàn thành chuyến bay dài từ London đến New York trong vòng chưa đầy 1 giờ - nhanh gấp khoảng 3 lần so với Concorde và nhanh gấp 5 lần so với máy bay sắp ra mắt của NASA có tên gọi là “Con trai của Concorde”.
Ramjet là khái niệm động cơ phản lực dòng thẳng (đôi khi được gọi là động cơ phản lực luồng nhồi, máy đẩy luồng nhồi, động cơ phản lực ống khói lò hoặc athodyd), là một trong các dạng đơn giản nhất của động cơ phản lực không khí sử dụng chuyển động về phía trước của động cơ để nén khí vào, mà không có một máy nén quay. Động cơ ramjet được sử dụng trong các phương tiện bay yêu cầu động cơ nhỏ, cơ cấu cơ khí đơn giản bay ở vận tốc lớn (ví dụ như trong tên lửa).
Máy bay sử dụng động cơ đẩy Venus Detonation Ramjet 2000 lb, còn được gọi là VDR2. Andrew Duggleby, người đồng sáng lập Venus Aerospace cho biết, động cơ này sẽ tạo nên một "cuộc cách mạng trong chuyến bay tốc độ cao".
Theo Venus Aerospace, VDR2 có thể đạt tốc độ Mach 6 (gấp 6 lần tốc độ âm thanh) tức là hơn 7.400km/h. Khi hoàn thành, VDR2 sẽ cung cấp năng lượng cho máy bay không người lái tốc độ cao cũng như Stargazer và công ty này đã huy động đến 33 triệu đô la để chế tạo ra nó.
VDR2 đã được thử nghiệm thành công trên một máy bay không người lái nhỏ vào đầu năm nay và hiện Venus Aerospace đang hướng tới thử nghiệm máy bay không người lái tiếp theo vào năm 2025. Nếu Stargazer thành hiện thực, đây sẽ là máy bay thương mại chở khách đầu tiên bay nhanh hơn tốc độ âm thanh kể từ thời Concorde.
Được biết, máy bay sẽ cất cánh bằng động cơ phản lực truyền thống, nhưng khi đạt đến độ cao đủ lớn, nó sẽ chuyển sang động cơ VDR2 sử dụng tên lửa và “ramjet”. Giống như hành khách đã từng trải nghiệm máy bay Concorde cách đây gần một phần tư thế kỷ, hành khách của Stargazer sẽ ở đủ cao để nhìn thấy độ cong của Trái Đất.
Venus Aerospace hiện đang hợp tác với Công ty Hàng không Vũ trụ Velontra, nơi cung cấp công nghệ vũ khí siêu thanh, để đưa máy bay này vào hoạt động thực tiễn.
“Chúng tôi rất mong chờ được bắt tay vào thực hiện, đưa chiếc đầu tiên bay và cuối cùng là hoàn thiện một khái niệm động cơ chủ yếu chỉ có trong sách giáo khoa nhưng chưa bao giờ được đưa vào sản xuất hàng loạt trên không”, Eric Briggs - Giám đốc điều hành của Velontra nói với truyền thông.