Có thể kể đến “ông lớn” Vinamilk dự kiến chi 1.800 tỷ đồng để mua lại 17,5 triệu cổ phiếu quỹ; Nhà Khang Điền cũng dự chi lên tới 448 tỷ đồng mua lại gần 20 triệu cổ phiếu quỹ.
Tương tự, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) quyết định mua 14 triệu cổ phiếu khi giá cổ phiếu sụt giảm gần 30%. Hay Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã đăng ký mua lại 10 triệu cổ phiếu để bình ổn giá cổ phiếu. Hiện, giá cổ phiếu của Hòa Bình đang giảm sâu dưới mệnh giá, gây bất an cho ban lãnh đạo doanh nghiệp này.
Chứng kiến giá cổ phiếu rơi vào vùng đáy nhiều năm, CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO đã lên phương án mua lại 15 triệu cổ phiếu quỹ. Ngay cả ngân hàng nằm trong top đầu lợi nhuận các năm gần đây là VPBank cũng dự kiến mua lại 5% lượng cổ phiếu đang lưu hành, tức tương đương 122 triệu cổ phiếu.
Tập đoàn nông nghiệp PAN Group cũng đăng ký mua lại 21,6 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ, tương đương với 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành. CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy đăng ký mua vào 25 triệu cổ phiếu quỹ. Tập đoàn Thiên Long thông báo phương án mua lại 1,5 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ nhằm tối đa hóa lợi ích của cổ đông.
Thực tế, có rất nhiều lý do để một doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ. Có thể doanh nghiệp dư thừa tiền mà không có những dự án tốt để đầu tư, họ tiến hành mua lại cổ phiếu. Hay đơn giản chỉ là do doanh nghiệp thấy giá cổ phiếu trên thị trường đang bị định giá thấp hơn so với giá trị nội tại, nên công ty quyết định mua lại cổ phiếu. Mua lại cổ phiếu quỹ không chỉ để đầu tư kinh doanh mà doanh nghiệp có thể dùng nó để thưởng cho các cán bộ nhân viên.
Không chỉ thế, mua lại cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu thấp còn là một hình thức đầu tư được nhiều công ty sử dụng. Khi những dự phòng về lợi nhuận từ những dự án có thể thấp hơn kết quả đầu tư cổ phiếu của chính công ty mình thì việc mua lại cổ phiếu quỹ là một phương án đáng được cân nhắc.
Ngoài ra, mua lại cổ phiếu quỹ còn cho thấy khả năng tài chính dồi dào của công ty đó, tăng thêm độ tin cậy cho cổ đông trong ngắn hạn rằng cổ phiếu đã đến lúc hấp dẫn. Theo lý thuyết, việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành, kích cầu trên thị trường. Do số lượng cổ phiếu giảm dẫn đến EPS trên mỗi cổ phần tăng lên, làm giá cổ phiếu cũng tăng lên.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi đại dịch vừa qua, việc mua cổ phiếu quỹ để “giải cứu” giá là lý do dễ thấy nhất. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam, việc mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp thời gian qua là rất lãng phí tiền bởi không có gì đỡ nổi được xu hướng giảm giá dài hạn của thị trường, mua cổ phiếu quỹ chỉ góp phần làm suy yếu thêm vì thiếu tiền khi mọi thứ ổn định trở lại. Trừ khi doanh nghiệp muốn kiếm lời từ cổ phiếu quỹ, sau này bán giá cao cho thị trường mà như thế phản tác dụng.
“Thay vì dùng hàng ngàn tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp có thể dùng số tiền này vào mục đích khác mà có thể giúp giá trị doanh nghiệp gia tăng bội phần”, ông Long khẳng định.
Đáng chú ý, việc doanh nghiệp đổ xô mua cổ phiếu quỹ cũng không loại trừ khả năng họ đang chạy đua với Luật chứng khoán sửa đổi.
Theo Điều 35, Luật chứng khoán sửa đổi 2019, công ty đại chúng thực hiện mua lại cổ phiếu của chính mình phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phiếu được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phiếu.
Luật chứng khoán sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Việc giảm vốn điều lệ khi thực hiện mua lại cổ phiếu quỹ sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến các chỉ số tài chính. Đặc biệt là những chỉ số như hệ số tài trợ, hệ số đòn bẩy tài chính… những chỉ số liên quan đến độ khả dụng khi doanh nghiệp tài trợ vốn bằng nợ. Do đó, việc giá cổ phiếu giảm sâu sẽ giúp doanh nghiệp bỏ ra chi phí thấp hơn.