Cụ thể, Quốc hội yêu cầu trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng hoàn thành thống kê thông tin, số liệu liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 báo cáo rõ kết quả phát hiện vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng bộ, ngành, địa phương, trong đó có 1.000 dự án chậm tiến độ trên toàn quốc.
Đây là yêu cầu được đa số đại biểu Quốc hội tán thành tại Ký họp 4, Quốc hội khoá XV sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm về tình trạng diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật. Có gần 80.000 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.000 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng làm rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm với đơn vị, cá nhân liên quan đến 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khai thác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đát đai hoang hóa, lãng phí, có vướng mắc; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách sẽ chủ trì giám sát các công việc nói trên.
Không chỉ vậy, trong năm 2023, Chính phủ cũng phải ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thực hiện các luật có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bổ sung định mức chi tiêu xe công, tài sản công, khoán chi, khoán xe công; lao động, biên chế; quản lý, sử dụng tài nguyên, đất, khoáng sản.
Trước năm 2025, các cơ quan hoàn thành đánh giá sự chồng chéo, chưa đồng bộ của hệ thống pháp luật; đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ được yêu cầu đẩy nhanh lộ trình cải cách chính sách thuế; trong năm 2023 rà soát các văn bản không đúng thẩm quyền liên quan miễn, giảm, giãn, hoàn thuế; tăng cường chống chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI.
Các dự án đầu tư công cũng phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành. Năm 2023, Chính phủ rà soát để có phương án xử lý khó khăn, nhất là với dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm, sử dụng vốn ODA không hiệu quả, dự án chậm tiến độ; dự án BT dở dang; giải quyết vướng mắc các dự án BOT.