Long An: Nhiều dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong chuyển mục đích sử dụng đất

Những dự án bị chậm tiến độ chủ yếu do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và chuyển mục đích sử dụng đất.
Long An: Nhiều dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong chuyển mục đích sử dụng đất

Tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch UBND TP.Tân An (tỉnh Long An) cho biết, địa phương có chủ trương thành lập 3 cụm công nghiệp, gồm Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn (thành lập năm 2003, đã lấp đầy 100%); Cụm công nghiệp Tú Phương (thành lập năm 2018) và Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn 2 (thành lập năm 2019) đang triển khai theo dự án được phê duyệt.

Hiện Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất nhựa (chủ đầu tư Cụm công nghiệp Tú Phương) đã lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục xin cấp phép thi công hạ tầng kỹ thuật, danh mục các công trình theo quy định. Ngoài ra, công ty thực hiện xã hội hóa, đầu tư mở rộng đường Nguyễn Văn Quá tạo kết nối trong và ngoài dự án.

Tuy nhiên, Cụm công nghiệp Tú Phương chưa hoàn thành 100% hạ tầng do bị chậm khâu giải phóng mặt bằng (còn khoảng 2,1ha). Đất của các hộ này nằm rải rác chủ yếu ven rìa và khu vực cây xanh cách ly trong dự án nên ảnh hưởng rất lớn việc thi công san lấp mặt bằng.

Bên cạnh đó, tuyến đường Nguyễn Văn Quá dài 1,8km, kết nối Cụm công nghiệp Tú Phương với Quốc lộ 62 do Nhà nước vận động giao đất, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất nhựa hỗ trợ vốn thảm nhựa, hiện tại còn 1 đoạn 450m (từ cống Rạch Đào hướng ra Quốc lộ 62) người dân chưa đồng ý giao mặt bằng và đang xuống cấp nghiêm trọng, việc lưu thông của các phương tiện rất khó khăn.

Đối với Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn 2, hiện chưa thực hiện các thủ tục do chưa có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa. Theo ông Nguyễn Minh Hùng, thực hiện nội dung này mất rất nhiều thời gian khi phải xin ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành Trung ương nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Mặt khác, hạ tầng kết nối ngoài dự án có những điểm chưa đồng bộ (Quốc lộ 62 xuống cấp nghiêm trọng) cũng ảnh hưởng đến việc mời gọi nhà đầu tư.

Tương tự, trên địa bàn huyện Bến Lức hiện có 6 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp. Đến nay, có 8/11 khu, cụm công nghiệp có nhà đầu tư và đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp 89,1% và cụm công nghiệp là 14,2%. Tuy nhiên, còn tình trạng một số chủ đầu tư có năng lực đầu tư yếu nên không bảo đảm tiến độ xây dựng hạ tầng.

Ông Lê Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức cho biết, phần lớn dự án công nghiệp trên địa bàn huyện có diện tích lớn hơn 10ha nên việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đất phi nông nghiệp mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, giá thuê lại đất trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và Bến Lức nói riêng cao so với các tỉnh lân cận; điều này cũng phần nào gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn của nhà đầu tư nước ngoài.

Đơn cử như dự án Khu công nghiệp Phúc Long hiện hữu có tổng diện tích đất quy hoạch gần 800.000 m2; hạ tầng kỹ thuật đã hoàn chỉnh 100%; tỷ lệ lấp đầy đạt 100% với 76 dự án. Dự án Khu công nghiệp Phúc Long mở rộng với diện tích quy hoạch là 334,5ha; chủ đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt và đang thực hiện điều chỉnh, hoàn thiện lại hồ sơ.

Ngoài ra, dự án còn gặp một số khó khăn trong thu hồi đất để xây dựng và một phần lô nền dành cho bố trí tái định cư; một số hệ thống giao thông vẫn chưa kết nối theo đúng quy định đã được phê duyệt do chưa thu hồi được đất (còn 5 hộ dân).

Hay như tại Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An (huyện Cần Giuộc) do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Long An làm chủ đầu tư, do gặp vướng mắc trong khâu thu hồi đất nên dự án đang bị chậm tiến độ.

Theo ông Hồ Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Khu công nghiệp Long An (chủ đầu tư), giai đoạn 1 của dự án hiện còn 2 hộ dân và 1 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng với diện tích 4.266m2. Đối với giai đoạn 2 của dự án, do dịch Covid-19 kéo dài từ năm 2019 đến cuối năm 2021 làm ảnh hưởng tiến độ; chủ trương chuyển đất lúa sang đất phi nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nhưng hết hạn 3 năm vào tháng 5/2021.

Đến nay, dự án vẫn chưa được tiếp tục triển khai thu hồi đất, việc này kéo dài dẫn đến giá đất thị trường bên ngoài biến động, người dân không đồng thuận cao trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, công ty kiến nghị lãnh đạo tỉnh, huyện Cần Giuộc quan tâm, hướng dẫn thủ tục xin gia hạn chủ trương chuyển từ đất lúa sang đất phi nông nghiệp để công ty tiếp tục triển khai dự án.

Xem thêm

Xuất khẩu thủy sản đang “giảm tốc”

Xuất khẩu thủy sản đang “giảm tốc”

Số liệu từ VASEP, sau khi duy trì ở mức trên 1 tỷ USD liên tiếp từ tháng 3 tới tháng 6, sang tháng 7/2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã hạ nhiệt xuống dưới 1 tỷ USD và tiếp tục chiều hướng này trong tháng 8 với doanh số 917 triệu USD, thấp hơn 3% so với kim ngạch trong tháng 7.

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…