“Bà đỡ” cho doanh nghiệp SME và nông dân nghèo Việt Nam

60 doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động trong chuỗi giá trị nông nghiệp được hỗ trợ nâng cao năng lực trong hơn 6 năm, góp phần tạo công ăn việc làm cho hơn 5.000 lao động địa phương, thu mua thường xuyên sản phẩm của gần 50.000 nông dân nghèo...

Đây là kết quả của Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp vì mục đích phát triển” (gọi tắt là EFD – Enterprises for Development) do Oxfam tại Việt Nam triển khai cùng Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub) với sự hỗ trợ tài chính từ mạng lưới các Doanh nhân vì Doanh nhân của Hà Lan (Entrepreneurs for Entrepreneurs Network) thông qua tổ chức Oxfam Novib tại Hà Lan và Quỹ GSRD Foundation.

Dự án đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương và người yếu thế.

Tác động tích cực cho cộng đồng

Trong cơ cấu kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh với các cộng đồng yếu thế, các doanh nghiệp theo định hướng kinh doanh tạo tác động xã hội đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo động lực tăng trưởng, nâng tầm chuỗi giá trị, góp phần cải thiện đời sống cho các nhóm yếu thế ở địa phương và hòa nhập với dòng chảy chung của phòng trào kinh doanh tạo tác động xã hội trong khu vực và trên thế giới. 

Hiện nay, SME tại Việt Nam nói chung và doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội (DNTTĐXH) nói riêng đang gặp nhiều thách thức trong hoạt động của mình.

Đó là, sự thiếu hụt chiến lược kinh doanh dài hạn nên các DN chưa đầu tư phù hợp cho hoạt động marketing và phát triển thương hiệu; nguồn lực tài chính và nhân sự còn hạn chế nên gặp nhiều vấn đề trong quản trị điều hành; thiếu hụt vốn do thiếu thông tin về thị trường vốn, không đáp ứng được các yêu cầu của bên cấp vốn và thiếu kỹ năng làm việc với nhà đầu tư; mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ còn yếu, thông tin về sản xuất và kiểm soát chất lượng từ nông hộ đến DNTTĐXH và người tiêu dùng chưa đầy đủ hoặc chưa thực sự minh bạch.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Quản lý Dự án EFD cho biết, DNTTĐXH khác với các mô hình doanh nghiệp thông thường bởi bên cạnh mục tiêu phát triển kinh doanh, họ luôn có mục tiêu song hành là đem đến những tác động tích cực cho cộng đồng và xã hội. Họ kinh doanh bằng trái tim và khát vọng thay đổi cuộc sống của hàng triệu người yếu thế trong xã hội.

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp khi đến với dự án EFD chưa hiểu rõ làm cách nào để doanh nghiệp mình có thể tạo tác động cụ thể cho cộng đồng, do đó chưa đo lường và phát huy được tác động xã hội tích cực mà doanh nghiệp mang lại.

“Một mặt, họ chưa được tiếp cận với những kiến thức về đánh giá và tăng cường tác động xã hội. Mặt khác, họ thiếu bộ công cụ giúp doanh nghiệp có thể triển khai trong thực tiễn”, bà Hà nói.

Cách tạo ra tăng trưởng

Dự án EFD đã cung cấp các khóa đào tạo nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, thiết kế các gói tư vấn đồng hành riêng cho từng doanh nghiệp trong 4-6 tháng với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế, hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tài chính, thí điểm hệ thống đảm bảo chất lượng trên nguyên tắc có sự tham gia (PGS), xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội, vinh danh các doanh nghiệp tạo tác động xã hội trong cả nước nhằm thúc đẩy sự ủng hộ của cộng đồng, nhận biết thương hiệu và kết nối hợp tác với các bên.

Chia sẻ về kết quả đạt được từ dự án EFD, ông Chí Phương, Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Lúa Tôm cho biết, sau 1 năm tham gia vào dự án của EFD, Lúa Tôm đã có sự phát triển như ngày hôm nay. Từ một doanh nghiệp chưa có tên trên thị trường, một thương hiệu rất ít người biết đến, nhưng qua khoá đào tạo về quản trị kinh doanh, phát triển thương hiệu, làm marketing… doanh số của Lúa Tôm đã tăng lên rõ rệt, hệ thống kinh doanh phát triển tốt. Sản phẩm có màu sắc bao bì đẹp, khách hàng phản hồi rất hài lòng cả về chất lượng và hình thức… Đây chính là động lực cho gạo Tôm phát triển. 

Hay như Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn Môi trường (DACE), sản xuất gia vị hữu cơ chất lượng cao. Công ty thu mua nguyên liệu gia vị hữu cơ của bà con ở Cao Bằng, nhưng khi mới tiếp cận để vận động bà con chuyển hướng trồng gừng, tỏi, ớt sang hướng hữu cơ, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Khởi đầu, công ty tự mày mò và học hỏi thêm, kết quả với quy mô khiêm tốn, chỉ với 40 hộ nông dân và 10ha đất trồng gừng.

Đến năm 2018, DACE đã sẵn sàng nộp đơn xin chứng nhận hữu cơ, đây cũng là năm doanh nghiệp này tham gia chương trình EFD để cải thiện năng lực quản lý nhân sự và tài chính. Nhưng tác động nhất của chương trình này đối với DACE và chị Phạm Thị Bích Thuỷ, đồng sáng lập kiêm phó giám đốc phụ trách sản xuất của DACE, là chương trình đã thay đổi mối quan hệ của chị với nông dân ngay trong năm trọng yếu này. Chị Thuỷ đã bắt đầu quan tâm và có chiến lược hơn khi làm việc với nông dân để họ cải thiện đời sống của họ…

Qua 6 năm thực hiện dự án, đã 60 DNTTĐXH tham gia, dự án đang tạo ra 1.789 công việc toàn thời gian và 3.225 công việc bán thời gian cho lao động địa phương là phụ nữ, thanh thiếu niên nông thôn, người nghèo, người khuyết tật, thường xuyên mua sản phẩm của 29.452 hộ nông dân, và mua sản phẩm theo mùa vụ của 17.295 hộ khác.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Quốc gia, Oxfam tại Việt Nam chia sẻ, các mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội, phổ biến nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp giải quyết tình trạng đói nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, thông qua hợp tác giữa các công ty với các cộng đồng nghèo cùng tham gia một chuỗi giá trị.

Các doanh nghiệp tạo ra việc làm, sinh kế và cơ hội. Đây là cách mà chúng ta tạo ra tăng trưởng. Ông Tú tin rằng nghèo đói, bất công và bất bình đẳng sẽ giảm khi có sự tương tác giữa công dân tích cực, chính quyền và khu vực tư nhân có trách nhiệm, đây cũng là nền tảng cho sự phát triển của Việt Nam.

“Để các SMEcó thể tạo tác động xã hội lớn hơn và ổn định hơn, chúng tôi khuyến nghị các chính sách dành cho khối này hướng tới tháo gỡ những khó khăn mà họ đang gặp phải như vốn, kết nối với người sản xuất và được quan tâm trong các chương trình nâng cao năng lực doanh nghiệp”, ông Tú nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm