Mục đích cuối cùng của EFD là giúp đối tượng yếu thế (các hộ nông dân quy mô nhỏ, phụ nữ nghèo, thanh thiếu niên nghèo) có thêm việc làm, tăng thu nhập hoặc được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Chương trình EFD thực hiện mục tiêu này thông qua việc nâng cao năng lực quản trị, tư vấn về quản trị và phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đang tạo ra các tác động tích cực lên các nhóm đối tượng yếu thế trong chuỗi giá trị của họ, giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, từ đó mang lại tác động bền vững cho các nhóm nói trên.
Trong giai đoạn 2015 – 2016, Dự án EFD đã lựa chọn và hỗ trợ 13 doanh nghiệp (SMEs) từ nhiều lĩnh vực SX-KD bao gồm các sản phẩm chè, nước mắm, mật ong, quả bơ và mắc ca, cam, măng, quế hồi đến dịch vụ chế biến thực phẩm, thủ công mỹ nghệ đã được lựa chọn tham gia hỗ trợ chuyên sâu. Hoạt động đào tạo và tư vấn đồng hành của EFD cho 13 SMEs thực hiện với 390 lượt người tham dự là lãnh đạo và nhân viên các SMEs; 27 gói tư vấn chuyên sâu trong các hợp phần tư vấn về nhân sự, quản trị chiến lược, marketing và bán hàng, xây dựng thương hiệu, xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và đánh giá tác động xã hội. 13 doanh nghiệp đã nhận được hơn 2600 giờ tư vấn của các chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực.
Tại Việt Nam, chương trình EFD đã nhận được sự ủng hộ và cam kết tài trợ của Oxfam cho giai đoạn 03 năm từ 2015 – 2018, đối tác triển khai là Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP).
Doanh nghiệp tham gia EFD sẽ được hỗ trợ giúp nâng cao năng lực và phát triển kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp được tham gia những chương trình đào tạo được thiết kế đặc thù cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo nhu cầu doanh nghiệp như: Xây dựng chiến lược kinh doanh, Lãnh đạo và quản trị chiến lược cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Xây dựng chiến lược thương hiệu và truyền thông, Tăng cường và đo lường tác động xã hội, …
Các doanh nghiệp còn nhận gói tư vấn quản trị và phát triển kinh doanh được thiết kế riêng phù hợp với nhu cầu và thực tế của từng doanh nghiệp (ví dụ: về quản trị tài chính, phát triển nhân sự, marketing, bán hàng, thương hiệu, quản trị sản xuất…), từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong từng lĩnh vực, trong vòng từ 4 đến 6 tháng.
Doanh nghiệp tham gia các hoạt động giao lưu, kết nối, học hỏi các mô hình doanh nghiệp SMEs và doanh nghiệp xã hội Việt Nam thành công trong các mặt về quản trị kinh doanh, gắn kết nông dân trong chuỗi cung ứng, và tạo tác động xã hội.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ được đào tạo, hướng dẫn để hiểu và đánh giá TĐXH mà doanh nghiệp đang tạo ra thông qua việc phân tích chuỗi giá trị của doanh nghiệp; giúp xây dựng các công cụ để đo lường và truyền tải hiệu quả về tác động xã hội của doanh nghiệp. Có cơ hội kết nối kinh doanh trong mạng lưới doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam cũng như kết nối với các mạng lưới doanh nghiệp ở khu vực và ở Hà Lan. Cơ hội hiểu và tiếp cận, kết nối với các nhà đầu tư tác động xã hội tại Việt Nam và trong khu vực.
Chương trình EFD 2015-2016 đã thực hiện 27 gói tư vấn chuyên sâu cho 13 doanh nghiệp, tương đương 2600 giờ làm việc của các chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm.
Chương trình EFD kéo dài 03 năm, từ tháng 08/2015- 08/2018, trong đó Giai đoạn 2 kéo dài từ 10/2016 – 09/2017. Thời hạn đăng ký tham gia chương trình đến hết 30/11/2016.
Các doanh nghiệp quan tâm liên hệ trực tiếp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ cộng đồng tại P2302, Tòa nhà 101 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội (website: csip.vn, điện thoại (+84-4) 3537 8746 để đăng ký).