Ba tỉnh vùng Đông Nam Bộ có mức thu nhập bình quân cao nhất cả nước

Theo Tổng cục Thống kê, quý I 2022, người lao động ở ba địa phương là TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai có mức thu nhập bình quân cao nhất cả nước, hơn 8 triệu đồng người tháng.
Nguồn lao động cho ngành dệt may bị thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nguồn lao động cho ngành dệt may bị thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo đó, tại TP Hồ Chí Minh, thu nhập bình quân của người lao động là 8,9 triệu đồng/người, tăng 36,5% ( tăng 2,4 triệu đồng so với quý trước); thu nhập của người lao động tại Bình Dương là 8,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 54,0%, ( tăng 3 triệu đồng/người/tháng so với quý trước); lao động tại Đồng Nai có thu nhập bình quân là 8,5 triệu đồng, tăng 32,9%, ( tăng 2,1 triệu đồng so với quý trước).

Lao động làm việc trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng, tăng 24,2%, ( tăng 1,4 triệu đồng); lao động làm việc trong ngành bán buôn bán lẻ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 23,3%, ( tăng 1,4 triệu đồng).

Lao động làm việc trong ngành tài chính ngân hàng và bảo hiểm có thu nhập bình quân là 10,8 triệu đồng, tăng 16,5%, ( tăng 1,5 triệu đồng); ngành kinh doanh bất động sản lao động có thu nhập bình quân là 10,7 triệu đồng, tăng 32,8%, ( tăng 2,6 triệu đồng); lao động làm việc trong ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt có thu nhập bình quân là 9,5 triệu đồng, tăng 8,4%, ( tăng 736.000 đồng).

Cũng theo Tổng cục Thống kê, người lao động ở ba địa phương nói trên có mức thu nhập bình quân cao nhất cả nước, khoảng hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Vùng Đông Nam Bộ tăng cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội, với mức thu nhập bình quân là 8,3 triệu đồng, tăng 36,8%, ( tăng 2,2 triệu đồng so với quý trước).

Liên quan đến nguồn lực lao động, vùng Đông Nam Bộ đang chịu tác động nghiêm trọng nhất từ những biến động trên thị trường lao động Việt Nam trong 2 năm qua đo ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng này, lên tới 30,6%.

Đợt dịch thứ tư kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm cho nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường, hàng vạn lao động phải về quê do mất việc. Bên cạnh đó, nguồn cung lao động cho thị trường cũng giảm do lao động quay trở về quê vì lo sợ dịch bệnh hoặc phải cách ly dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động ở nhiều doanh nghiệp. Những địa phương thiếu hụt cao là Bình Dương, Bình Phước và TP Hồ Chí Minh…,Một số ngành báo cáo có sự thiếu hụt nhiều lao động nhất là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, sản xuất da và các sản phẩm liên quan, sản xuất trang phục, sản xuất thiết bị điện, ngành dệt.

Có thể bạn quan tâm