Được biết, dự án cải tạo này do Công ty CP Bất động sản Vinaconex - thuộc Công ty CP Vinaconex - thực hiện, với thiết kế là Tòa nhà tổ hợp thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ chung cư, quy mô dự án gồm 27 tầng nổi và 3 tầng hầm.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm nhận được dự án, mọi viễn cảnh về Tòa nhà tổ hợp vẫn chỉ trên giấy, còn thực tế thì khu tập thể nằm vị trí “đất vàng” 93 Láng Hạ đã biến thành khu nhà hoang và đầy rác thải.
Nguyên nhân dẫn đến thực tế này là do những mâu thuẫn về quyền lợi giữa doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, vào năm 2016, chủ đầu tư đã kêu gọi người dân sớm di dời để triển khai xây dựng dự án. Nếu chuyển đi sớm sẽ được nhận 50 triệu đồng tiền mặt, cùng tiền thuê nhà trong 3 năm (nếu chủ hộ giao sổ hồng), hoặc tiền thuê nhà trong 1 năm (nếu chủ hộ không giao sổ hồng).
Với phương án di dời này, hầu hết các gia đình, hộ kinh doanh ở khu nhà L1, và L2 đã chuyển đi nơi khác, nhưng vẫn còn nhiều gia đình kiên quyết không bàn giao nhà vì thiếu sự tin tưởng đối với chủ đầu tư, cho rằng đền bù không thỏa đáng, hay hợp đồng với chủ đầu tư cần được thay đổi nội dung.
Tuy nhiên, sự thiếu hợp tác của người dân cũng chỉ là một trong những nguyên nhân khiến dự án bị chậm. Nguyên nhân khác nữa, là chính những màn tranh giành của các đời chủ đầu tư đã khiến dự án bị chậm.
Theo đó, dự án 93 Láng Hạ được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2010 với chủ đầu tư là Công ty BĐS An Thịnh. Tuy nhiên, trong nhiều năm sau đó, dù dự án không hề triển khai dự án, thì lại luôn có thông tin về nhiều công ty bất động sản muốn thâu tóm An Thịnh.
Được biết, Công ty BĐS An Thịnh, do Ngân hàng SHB và Công ty CP Công nghiệp Măng gan Cao Bằng sáng lập vào tháng 8/2007 với quy mô vốn chỉ gần 70 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như xây dựng công trình, dân dụng, dự án khu công nghiệp, khách sạn, văn phòng, nhà ở, hạ tầng khu đô thị, tư vấn lập dự án đầu tư, kinh doanh BĐS.
Tuy quy mô khiêm tốn, nhưng nhiều "ông lớn" trong mảng BĐS như Hà Đô Group, Vinaconex 2, CTCP Vimeco (VMC) và CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Vinaconex (IUC) đều muốn thâu tóm công ty này. Nguyên nhân nằm ở khu đất 5.000 m2 tại 93 Láng Hạ mà An Thịnh được phép triển khai xây dựng Dự án Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở.
Cuối tháng 7/2015 khi Tập đoàn Hà Đô (HDG) thông báo, đơn vị này đã ký hợp đồng mua toàn bộ cổ phần sở hữu từ 3 cổ đông của BĐS An Thịnh - tương đương 81.4% vốn cổ phần.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2015, CTCP Xây dựng số 2 (VC2) khẳng định đã cùng các công ty khác là CTCP Vimeco (VMC) và CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Vinaconex (Vinaconex IUC) ký hợp đồng chuyển nhượng đúng bằng số cp này từ 3 cổ đông của CTCP BĐS An Thinh đề cập ở trên, trong đó VC2 sẽ nhận gần 30% vốn, tương đương với giá trị chuyển nhượng gần 20 tỷ đồng.
Chuyện chưa ngã ngũ thì đến 2/2016, Tổng CTCP XNK và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) thông báo tham gia kế hoạch mua An Thịnh. Ngay lập tức, các "đối thủ" muốn mua lại An Thịnh nhanh chóng rút lui, Vinaconex chính thức thực hiện thành công thương vụ mua bán sát nhập với An Thịnh để sở hữu khu đất rộng 5.000m2 tại 93 Láng Hạ.
Liên quan đến An Thịnh, tuy SHB và Công ty CP Công nghiệp Măng gan Cao Bằng cùng là cổ đông thực hiện dự án nhưng ngày 31/12/2010, Ngân hàng SHB lại kí cho Công ty CP Công nghiệp Măng gan Cao Bằng vay gói tín dụng ngắn hạn là 100 tỉ đồng (thời hạn vay 9 tháng, lãi suất 21%) đầu tư vào chính dự án này. Và đến nay, dự án đã không triển khai được và số tiền 100 tỉ đồng mà SHB cho vay đã trở thành nợ xấu.
Được biết, món nợ xấu này đã được ngân hàng SHB bán cho công ty VAMC, số nợ gốc tính tới ngày 30/11/2017 vẫn còn hơn 77 tỷ đồng.