Ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, hiện nay thị trường rất quan tâm tới kế hoạch chào bán cổ phiếu BAV của hãng hàng không Tre Việt ra công chúng. Theo kế hoạch, Bamboo Airways sẽ IPO cổ phiếu vào đầu năm 2020. Đây là kênh huy động vốn lớn cho giúp hãng nhằm phục vụ kế hoạch phát triển.
“Tuy nhiên, trong đợt IPO này chúng tôi sẽ không bán ồ ạt ra ngoài mà sẽ ưu tiên các đối tác lớn, đối tác nước ngoài có sự đồng hành cùng hãng bay lâu dài”, ông Thắng nhấn mạnh.
Về việc mở đường bay thẳng đi Mỹ mà Bamboo Airways ấp ủ, ông Thắng cho biết, hãng sẽ sử dụng dòng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner để vận chuyển hành khách trên tuyến bay này. Hiện nay, hãng đã được Cục hàng không Việt Nam cấp phép Tuy nhiên, công ty còn chờ tiếp nhận máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner để làm nốt các thủ tục cần thiết để triển khai tuyến bay quốc tế tới thị trường Mỹ. Dự kiến chuyến bay thẳng tới Mỹ sớm nhất là cuối năm 2020.
Trước đó, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng đã phân tính về bài toán bay thẳng tới Mỹ và khẳng định “sẽ không lỗ”. Cụ thể, nếu tính chi phí bỏ ra và thu về, số lỗ cho chuyến bay đi Mỹ khoảng 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu bán vé tăng lên mức 1.300 USD vé khứ hồi, số lãi rơi vào 8,4 tỷ đồng. Việc lỗ hay lãi hoàn toàn phụ thuộc vào giá vé. Nếu thuê A350, số ghế 240 khách, bán giá vé 1.300 USD thì hãng sẽ lãi 28 tỷ đồng.
Về số thu, tàu bay Boeing 787-9 có 310 ghế, song Bamboo Airways sẽ phải giảm đi để có thêm ghế hạng thương gia. Nếu bán vé với mức 1.100 USD với 240 khách khứ hồi, số tiền thu về ước tính 116,3 tỷ đồng.
Ông Quyết cho rằng, giá vé 1.300 USD hoàn toàn có thể tăng lên nếu chất lượng phục vụ tốt, chỉ số đúng giờ cao. Mức giá này vẫn thấp hơn so với giá vé bay đến Mỹ của Japan Airlines (1.600 USD), hay Cathay Pacific (Hong Kong) hơn 1.300 USD...
Bamboo Airways đã báo lỗ hàng trăm tỷ đồng trong gần 1 năm cất cánh bay với đội tàu bay 10 chiếc. Vậy khi nào hãng bắt đầu có lợi nhuận?
Ông Đặng Tất Thắng: Tthông thường các hãng hàng không đi vào khai thác 20 tàu bay thì mới có thể cân đối được chi phí, bù đắp khoản lỗ đầu tư và vận hành trước đó. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp nhận các tàu bay mới và nâng dần số lượng tàu bay lên 30 tàu bay. Với việc khai thác 30 tàu bay này thì dự kiến đến năm 2020 chúng tôi sẽ bắt đầu có lãi.
Vì sao Tập đoàn FLC chào bán cổ phần BAV với giá ưu đãi là 40.000 đồng/CP cho cán bộ, nhân viên của BIDV chi nhánh Thanh Xuân kèm theo cam kết sẽ mua lại với giá gấp đôi sau 6 tháng?
Ông Đặng Tất Thắng: Quan điểm của ban lãnh đạo Tập đoàn FLC và Bamboo Airways là chỉ lựa chọn bán cổ phần cho đối tác lớn, tiềm năng. Còn lượng cổ phần ưu đãi được bán nội bộ hay bán ra ngoài chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Việc bán một lượng cổ phần BAV cho nhân viên của BIDV là sự tri ân của chúng tôi đối với đối tác đã đồng hành, hỗ trợ vốn cho công ty từ những ngày đầu. Còn cam kết mua lại cổ phiếu BAV với giá cao hơn thể hiện sự tự tin của chúng tôi về sự phát triển thành công ty Bamboo Airways, cả tôi và Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cũng tự tin về điều này trước các nhà đầu tư có thể mua lại giá cao khi hãng hàng không vận hành ổn định.
Tôi muốn nhấn mạnh chúng tôi chỉ lựa chọn các nhà đầu tư đến từ Nhất Bản và Mỹ, có kinh nghiệm về lĩnh vực hàng không thì Tập đoàn FLC mới bán cổ phần Bamboo Airways.
Vậy nguồn tiền nào để mua lại cổ phiếu BAV với giá cao gấp đôi giá bán như thế?
Ông Đặng Tất Thắng: Chúng tôi đưa ra mức cam kết để cho thấy sự tự tin về triển vọng, tiềm năng phát triển của Bamboo Airways cũng như giá cổ phiếu BAV khi lên sàn chứng khoán trong thời gian tới. Dĩ nhiên, giá BAV được định giá lên tới 82.000 đồng/CP, nhưng giá chào sàn dự kiến chỉ 60.000 đồng/CP. Chúng tôi dự đoán giá BAV sẽ nằm trong khoảng 50.000 – 60.000 đồng/CP. Với lượng cổ phiếu bán ra thị trường rất ít, không quá 10% vốn điều lệ, và nhà đầu tư cũng sẽ không bán ra.