Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4 năm 2023, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân lo lắng trước tình hình số ca mắc Covid-19 tăng cao trong thời gian gần đây; tình trạng bạo lực học đường, trẻ hóa độ tuổi phạm tội; việc vận chuyển, buôn bán, sử dụng ma túy và chất cấm có chiều hướng phức tạp; việc quy định tiêu chuẩn vật liệu, tiêu chuẩn cở sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy vượt quá khả năng của người dân và doanh nghiệp...
“Đặc biệt, vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng, khả năng gây rủi ro và thiệt hại cho người mua bảo hiểm”, ông Dương Thanh Bình nhấn mạnh.
Theo đó, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp và các bộ ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại.
Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát hợp đồng mẫu về một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để đảm bảo tính minh bạch của thị trường bảo hiểm và quyền lợi của người tham gia.
Trước đó, thông tin về lĩnh vực bảo hiểm qua thông cáo báo chí về một số vấn đề được dư luận, xã hội, báo chí quan tâm liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian vừa qua, ngay sau khi nhận được các thông tin và các đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân, Bộ Tài chính có các công văn chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Yêu cầu doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Đồng thời, cơ quan quản lý đã tổ chức làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp bảo hiểm có phản ánh của khách hàng và yêu cầu doanh nghiệp này xem xét, xử lý dứt điểm khiếu nại của khách hàng, bảo đảm quyền lợi khách hàng trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm đã giao kết và quy định pháp luật.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh liên quan đến bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng. Kết quả đến ngày 25/4/2023, tổng số kiến nghị, phản ánh nhận được qua điện thoại là 192 kiến nghị, phản ánh và 299 kiến nghị, phản ánh qua email; Phân loại xử lý 350 đơn đề tố cáo liên quan đến bancassurance.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ đã chủ trì buổi tiếp dân với sự tham gia của đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm làm việc với 5 công dân đại diện cho nhóm người mua bảo hiểm đến Bộ Tài chính.
Về công tác thanh tra, kiểm tra đã tiến hành thu thập hồ sơ, tài liệu, phân tích, đánh giá 5 doanh nghiệp bảo hiểm thuộc kế hoạch thanh tra năm 2023 theo kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Công tác thanh tra sẽ được đẩy mạnh trong quý 2 và quý 3/2023.
Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế, xây dựng phương án phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước để thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Cũng theo thông tin Bộ Tài chính, trong thời gian qua, đối với các thông tin phản ánh qua đường dây nóng về việc bị ép mua bảo hiểm khi giải ngân khoản vay, Bộ Tài chính đã chuyển thông tin cho Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước để phối hợp quản lý, giám sát. Hiện nay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Quản lý
Giám sát Bảo hiểm phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng nhà nước xây dựng quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan trong việc thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.