Bán “khách sạn dát vàng”, Tập đoàn Hòa Bình của đại gia “Đường bia” tính dùng tiền làm gì?

Do gặp khó khăn về dòng tiền, đại gia "Đường bia" - chủ sở hữu khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake buộc phải rao bán khách sạn...

Tập đoàn Hòa Bình của đại gia Nguyễn Hữu Đường (Đường bia) đang gây xôn xao dư luận khi quyết định bán “khách sạn dát vàng” Dolce Hanoi Golden Lake thuộc khu đất "vàng" B7 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội với giá chào bán khởi điểm 250 triệu USD (tương đương 6.000 tỷ đồng). Dự kiến từ 1/4/2023 khách sạn này sẽ có "chủ mới", các tỷ phú Trung Quốc, Ấn Độ và UAE đang xếp hàng chờ mua.

Doanh nghiệp kín tiếng với sở thích dát vàng công trình

Tập đoàn Hòa Bình chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán nên thông tin về doanh nghiệp này cũng khá hạn chế. Tiền thân của Tập đoàn Hòa Bình là một nhà máy sản xuất bia hơi và nước giải khát có ga tư nhân đầu tiên tại Việt Nam ra đời từ năm 1989.

Đến năm 1993, Công ty TNHH Hòa Bình chính thức được thành lập. Tập đoàn này hiện có 7 công ty thành viên gồm: Công ty cổ phần xây dựng và sản xuất thép Hòa Bình, Công ty cổ phần Đường Man, Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Hòa Bình, Công ty cổ phần Quốc tế Inox Hòa Bình, Công ty cổ phần Trung tâm thương mại V+ Hòa Bình, Công ty cổ phần Kết Thành, Hợp tác xã Dân Chủ.

Các công trình mà tập đoàn này đã thực hiện như công trình Trung tâm nghiên cứu khoa học và công trình công cộng – Tháp đôi Hòa Bình tại 106, Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội; công trình Khách sạn Hòa Bình Palace 3 sao tại 27 phố Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; công trình Tòa nhà căn hộ cao cấp (4 sao) Hòa Bình Green tại 376, đường Bưởi – Hà Nội; công trình chung cư cao cấp (6 sao) Hoa Binh Green City tại 505 Minh Khai, Hà Nội (gây ấn tượng với thiết kế dát vàng) và các công trình tình nghĩa xây dựng tại tỉnh Quảng Trị như Công trình nhà đón tiếp thân nhân liệt sỹ tại Đông Hà, Quảng Trị hay Công trình nhà khách Thành Cổ - Quảng Trị. 

Là một doanh nghiệp “kín tiếng” nhưng chủ của tập đoàn này - đại gia “Đường bia” được biết đến là doanh nhân có sở thích “dát vàng” toà nhà, chung cư, khách sạn. Tập đoàn này và đại gia "Đường bia" đã gây ấn tượng trên thị trường bất động sản khi dát vàng toàn bộ lan can, khu vực sảnh, hành lang và hệ thống thang máy của Tòa chung cư cao cấp Hòa Bình Green City. 

tập đoàn Hòa Bình
 Dolce Hanoi Golden Lake trở thành khách sạn đầu tiên tại Hà Nội không chỉ dát vàng nội thất mà ngoại thất cũng được phủ kín bằng những viên gạch vàng từ chân đế tới tận nóc nhà - Ảnh: Tập đoàn Hoà Bình

Với Dolce Hanoi Golden Lake, đại gia này tạo nên một tiếng vang lớn khi đầu tư hơn 100 triệu USD để xây dựng dự án này và biến Dolce Hanoi Golden Lake trở thành khách sạn đầu tiên tại Hà Nội không chỉ dát vàng nội thất mà ngoại thất cũng được phủ kín bằng những viên gạch vàng từ chân đế tới tận nóc nhà.

Khách sạn này cũng nằm ở vị trí đắc địa khi có ba mặt giáp đường. Phía Nam giáp phố Nam Cao, phía Tây giáp đường Trần Huy Liệu, phía Bắc giáp đường nội bộ và có tầm nhìn toàn cảnh hồ Giảng Võ. 

Được rao bán đấu giá với giá khởi điểm chỉ 250 triệu USD từ đầu tháng 3/2023, dự kiến từ tháng 4/2023 khách sạn dát vàng này sẽ có "chủ mới”. Các đối tác đang đàm phán mua khách sạn dát vàng là những tỷ phú tới từ Trung Quốc, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Việc lựa chọn đối tác rao bán cũng cho thấy, đại gia “Đường bia” luôn có xu hướng tìm kiếm những doanh nhân có cùng sở thích “dát vàng công trình”. 

Vẫn dát vàng khi xây nhà ở xã hội

Kể từ năm 2022 đến nay, Tập đoàn Hòa Bình luôn xuất hiện trên truyền thông với hình ảnh là một doanh nghiệp tiên phong và tích cực trong công tác xây dựng nhà ở xã hội. Đại gia "Đường bia" cũng được biết đến với hình ảnh về một doanh nhân xuất thân từ bộ đội, phân phối bia quanh Hà Nội bằng xích lô vào những năm 1982 nhiều đến nỗi được đặt cho cái biệt danh “Đường bia” hay “Vua bia” từ đó và thể hiện quyết tâm xây nhà ở xã hội đạt tiêu chuẩn cao cấp nhất của nhà ở thương mại là có thang máy Mitsubishi, thiết bị vệ sinh Toto.

Mục tiêu của Tập đoàn Hòa Bình là hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhỏ và vừa cùng xây dựng 5 triệu căn nhà ở xã hội trên cả nước trong 5 năm tới (2022 - 2027).

Từng chia sẻ trên truyền thông, doanh nhân “Đường bia” khẳng định, việc mạ vàng vào vòi chậu rửa được xem là “quà tặng” không tính phí. “Tôi có một xưởng mạ vàng nên giá thành sẽ rẻ hơn so với các doanh nghiệp khác nếu cũng làm mạ vàng. Người lao động, người thu nhập thấp có lẽ rất ít khi được sở hữu vàng. Họ rất mong có được vàng. Tôi làm vòi tắm dát vàng là để ngày nào người dân cũng được sờ vào vàng. Sáng khi mở vòi nước để đánh răng rửa mặt là được sờ vào vàng, tối trước khi đi ngủ cũng được sờ vào vàng. Đó là hạnh phúc. Và hạnh phúc của người dân chính là hạnh phúc của mình”, ông Đường khẳng định trong một cuộc phỏng vấn.

Đại gia Đường bia của Tập đoàn Hòa Bình
Đại gia Đường bia của Tập đoàn Hòa Bình

Mục tiêu của tập đoàn này chính là xây dựng nhà ở xã hội có chất lượng cao, độ bền theo tiêu chí nhà ở vĩnh cửu, tường vách bê-tông cốt thép chắc chắn, cách âm, cách nhiệt, chống động đất trên cấp 8, thiết bị cao cấp nhất, có tuổi thọ vĩnh cửu. Nhà ở xã hội cũng được xây dựng trên tiêu chí an toàn, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ 4.0, mức phí dịch vụ chỉ bằng 1/4 - 1/5 so với mức phí dịch vụ tại các toà chung cư khác.

Quy mô của các dự án nhà ở xã hội của tập đoàn này là các toà chung cư chiều cao 9-12 tầng, diện tích căn hộ đa dạng từ 25m2 đến 70m2 tuỳ vào hoàn cảnh và thu nhập của người lao động, giá bán 12 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT), gồm đầy đủ các tiện ích.

“Điều đó đồng nghĩa, nếu mua một căn hộ 25m2 của tập đoàn này tại huyện Đông Anh (Hà Nội) sẽ có giá 300 triệu đồng, căn 70m2 có giá 840 triệu đồng”, trích thông tin về dự án nhà ở xã hội của Tập đoàn Hòa Bình trên báo Văn hoá Doanh nghiệp ra ngày 19/5/2022.

Bán khách sạn, lấy tiền xây nhà ở xã hội?

Hiện, Tập đoàn Hòa Bình vẫn đang bế tắc tại dự án hệ thống Trung tâm thương mại V+ ở Đông Anh (Hà Nội) sau gần 8 năm đầy nỗ lực. Trình đề án lên Quốc hội và Chính phủ từ năm 2015 nhưng đến 2022, đề án này vẫn chưa được phê duyệt. Mục tiêu khi xây dựng đề án này của Tập đoàn Hòa Bình là xây dựng và làm chủ hệ thống thương mại để điều tiết được sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân có mặt bằng tiêu thụ sản phẩm. Như vậy, mục tiêu chính của tập đoàn này khi từ bỏ kinh doanh nhà ở thương mại, chuyển sang nhà ở xã hội chính là để làm chủ hệ thống phân phối thương mại.

Nói về vấn đề này, ông Đường từng khẳng định: "Việc lấy lại và làm chủ hệ thống thương mại, lấy lại hệ thống phân phối và các ngành hàng siêu lợi nhuận từ trong tay các doanh nghiệp ngoại và các nhóm lợi ích, điều tiết được sản xuất trong nước là việc sống còn. Đây là cuộc chiến một mất, một còn nhưng chúng tôi là những cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh nên chúng tôi sẽ tranh đấu đến cùng để xây dựng, hoàn thiện hệ thống trung tâm thương mại cho người Việt làm chủ tại Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh thành trên cả nước với mong muốn giành lại quyền tự chủ về kinh tế, đưa đất nước phát triển bền vững, người dân vĩnh viễn thoát khỏi đói nghèo". 

Việc bán đấu giá dự án dát vàng thuộc đất vàng Hà Nội cũng đồng thời là niềm tự hào của doanh nhân này, dự kiến thu về hàng nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Hòa Bình. Và với số tiền này, nhiều khả năng ông Đường sẽ tiếp tục hướng tới làm nhà ở xã hội, qua đó làm chủ hệ thống phân phối thương mại.

Được biết, trong buổi trao đổi với báo chí gần đây, ông Đường chia sẻ nguyên nhân bán "dự án dát vàng" là để giải quyết vấn đề lương, chi phí lãi ngân hàng... của tập đoàn này. Song như đã nói, đây cũng là có thể là một nước cờ hướng đến xây dựng nhà ở xã hội, góp phần để hiện thực hoá mục tiêu kể trên? 

Theo thông tin đăng tải trên https://vnr500.com.vn/, Tập đoàn Hòa Bình là một trong những doanh nghiệp, trong những năm gần đây, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của công ty bình quân đều đạt trên 25%. Doanh thu bình quân hàng năm của công ty đạt hàng nghìn tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, vốn điều lệ được công bố của Tập đoàn Hòa Bình trên website này lại chỉ là 415 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo chính ông Đường chia sẻ, sau 3 năm Covid, mỗi một năm công ty mất khoảng 1.000 tỷ doanh thu và 500 tỷ tiền lợi nhuận. Năm 2022 còn lỗ hơn nhiều hơn khi tập đoàn này đưa vào hoạt động cả 3 hệ thống khách sạn: Somerset Hoa Binh, Dolce Hanoi Golden Lake và Danang Golden Bay.

Khách sạn Somerset Hoa Binh năm 2019 lãi 31 tỷ, năm 2020 lãi 2,2 tỷ, năm 2021 lỗ 4,1 tỷ nhưng năm 2022 lỗ 19 tỷ. Năm 2022 lỗ nặng như vậy vì mở ra chỉ được 30% phòng được lấp đầy vì không có khách nước ngoài đến Việt Nam.

Hiện, tập đoàn này đã xin chuyển 2 khu đất 393 Lĩnh Nam và 468 Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) để làm nhà ở xã hội. Theo ông Đường thì "Ít nhất làm nhà ở xã hội vẫn có lãi và có tiền trả lương cho công nhân".

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm