Bàn tròn chứng khoán: Đã đến lúc tham gia trở lại?

Nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng và đa số chọn cách đứng ngoài quan sát trong 1 tháng qua. Song với phiên hồi phục mạnh khi VN-Index về vùng 1.010 - 1.050 điểm cuối tuần qua, liệu xu hướng điều ch
Bàn tròn chứng khoán: Đã đến lúc tham gia trở lại?

Thị trường vẫn đang trong giai đoạn giao dịch lình xình, dòng tiền và thanh khoản vẫn khá yếu. Xu hướng này liệu còn tiếp diễn trong tuần tới?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc CTCK MBS

Với dấu hiệu hồi phục bằng các mã trụ trong phiên cuối tuần, tôi dự báo kịch bản lạc quan nhất trong tuần sau là thị trường sẽ hồi khoảng 2 - 2,5 phiên đầu tuần bằng các mã trụ và mã VHM mới lên sàn.

Sau đó, thị trường sẽ quay trở lại với trạng thái ảm đạm và dòng tiền chung sẽ rút ra khỏi thị trường khiến chỉ số tụt giảm vào các phiên cuối tuần. Như vậy, cả tuần sau thị trường sẽ trong trạng thái giao dịch èo uột và sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cơ sở.

Ông Trần Đức Anh, chuyên viên phân tích, Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCK Bảo Việt (BVSC)

Diễn biến giao dịch lình xình, thanh khoản yếu là đặc trưng của TTCK trong tháng 5 khi mà thị trường thiếu vắng các thông tin hỗ trợ cả về mặt vĩ mô cũng như tin doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua quan sát phiên giao dịch chiều ngày thứ Sáu, tôi nhận thấy thị trường đã xuất hiện một vài tín hiệu tích cực trong ngắn hạn ở giao dịch nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Dòng tiền đã tự tin tham gia bắt đáy giúp nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh về cuối phiên, qua đó hỗ trợ chỉ số VN-Index đảo chiều tăng điểm.

Ngoài ra, với việc là cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 2 trên cả 3 sàn và chiếm 9,5% tổng vốn hóa trong rổ cổ phiếu VN-Index, nếu VHM xuất hiện giao dịch và tăng trần trong các phiên đầu tuần sau cũng là một yếu tố hỗ trợ mạnh cho xu hướng của chỉ số VN-Index, cũng như tâm lý thị trường chung.

Qua đó, tôi đánh giá cao khả năng hồi phục của thị trường trong cac phiên đầu tuần sau. Tuy nhiên, với sự suy yếu của thanh khoản trong các phiên gần đây, khả năng thị trường đã tạo xong đáy, kết thúc nhịp điều chỉnh và đi lên ngay ở vùng giá hiện tại chưa được đánh giá cao.

Bao nhiều xác suất VN-Index sẽ test lại mốc 1.000 điểm trong tháng 5 này, theo ông/bà?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc CTCK MBS

Với những nền tảng cơ bản và kỹ thuật của thị trường hiện nay, tôi không cho rằng thị trường chỉ test lại mốc 1.000 điểm trong tháng 5, mà thậm chí có thể thủng luôn mốc 1.000 ngay trong những phiên cuối tháng 5, vì vậy, nhà đầu tư cần thận trọng với thị trường tại thời điểm này.

Trong giai đoạn này nhà đầu tư hay mắc phải sai lầm là thấy nền tảng vĩ mô và tăng trưởng doanh nghiệp khá tốt nên vẫn tiếp tục kỳ vọng cao, nhưng đa phần họ quên đi yếu tố đắt và rẻ trên thị trường.

Ông Trần Đức Anh, chuyên viên phân tích, Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCK Bảo Việt (BVSC)

Với mức độ biến động của VN-Index ở thời điểm hiện tại, cùng với dự đoán chỉ số này vẫn chưa thoát khỏi xu hướng lình xình đi ngang trong vài tuần tới, tôi sẽ không thấy bất ngờ nếu có thời điểm chỉ số VN-Index test lại mốc 1.000 điểm trong tháng 5.

Rất khó để đưa ra xác xuất cụ thể cho kịch bản này, tuy nhiên nhà đầu tư không cần quá bi quan đối với diễn biến thị trường ngay cả khi kịch bản này xảy ra.

Trên thực tế, TTCK Việt Nam hiện vẫn đang được hỗ trợ mạnh bởi các yếu tố vĩ mô và kỳ vọng kết quả kinh doanh doanh nghiệp trong trung, dài hạn. Các nhịp điều chỉnh sâu của thị trường là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu cho nhịp hồi phục của thị trường, nhiều khả năng sẽ diễn ra trong 2 quý cuối năm.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục chịu áp lực bán trong khi một số cổ phiếu dầu khí vẫn duy trì được sắc xanh do được hỗ trợ bởi các nguồn tin tích cực về giá dầu, nhưng nhìn chung chưa có gì đột biến. Nhiều CTCK vẫn khuyến nghị nhà đầu tư tạm thời đứng ngoài thị trường song điều này rất khó, đặc biệt với nhà đầu tư ưa trading. Đâu là chiến lược của ông/bà ở thời điểm này?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc CTCK MBS

Xét theo phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản thì tôi dự báo, VN-Index có rất nhiều khả năng xuống dưới mốc 950 điểm, vì vậy tôi cũng có cùng khuyến nghị với các CTCK khác là nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cơ sở nên tiếp tục đứng ngoài thị trường cho tới khi thị trường được reset về mức giá hợp lý hơn thì mới tham gia.

Với mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay ở mức khoảng 6%/năm, thì mức P/E hợp lý sẽ phải ở mức 1/6% = 16,7 lần, tương đương VN-Index dưới 950 điểm, thì rõ ràng thị trường cần phải điều chỉnh tiếp tục để trở lại trạng thái cân bằng. Khi đó, nhà đầu tư mới có thể tham gia trở lại một cách an toàn.

Về mặt lý thuyết là vậy, nhưng thực tế, đa phần nhà đầu tư tham gia trên thị trường đều bị mắc một "bệnh" là ham trading hoặc yêu cổ phiếu, nên dẫn tới không bao giờ ngừng giao dịch.

Với những nhà đầu tư ham trading thì tôi cho rằng, hiện nay biện pháp tốt nhất là tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, vì đây là công cụ tuyệt vời có thể giúp những nhà đầu cơ có thể kiếm được tiền ngay cả khi thị trường xuống, đòn bẩy cao mà không phụ thuộc vào T+.

Ông Trần Đức Anh, chuyên viên phân tích, Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCK Bảo Việt (BVSC)

Do thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, việc dự đoán biến động thị trường theo phiên trở nên khó khăn, tôi lựa chọn đứng ngoài đối với danh mục đầu tư ngắn hạn.

Đối với danh mục trung, dài hạn, tôi đang tích lũy dần, tập trung vào nhóm cổ phiếu kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong 1, 2 quý tới, đặc biệt những mã cổ phiếu đã giảm mạnh và rơi vào vùng mua hấp dẫn.

Khối ngoại vẫn duy trì bán ròng, yếu tố này như “rót thêm dầu vào lửa” khiến đà hồi phục của thị trường chậm hơn. Theo ông/bà, thị trường có bị chi phối nhiều bởi yếu tố vốn ngoại và xu hướng của dòng vốn này trong thời gian tới?

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc miền Bắc CTCK MBS

Mỗi nhà đầu tư hoặc người phân tích đều có phương pháp tiếp cận thị trường khác nhau. Còn với tôi, để dự báo thị trường không khác gì việc giải 1 phương trình nhiều ẩn và cách tốt nhất là rút gọn về càng ít ẩn càng tốt.

Do đó, tôi luôn coi việc nhà đầu tư nước ngoài mua hoặc bán không khác gì nhà đầu tư nội, cũng là cung và cầu. Cung và cầu sẽ tìm đến điểm cẩn bằng là giá và giá này sẽ xoay quanh giá trị.

Và như đã nói ở trên, theo mức định giá của tôi, giá trị hợp lý của toàn thị trường sẽ xoay quanh mức 950 điểm. Chừng nào giá cả còn lớn hơn giá trị, thì chừng đó cung còn lớn hơn cầu và lúc đó nhà đầu tư ngoại sẽ còn bán ròng. Tuy nhiên, tôi đã nói rất nhiều lần rằng, bản chất của thị trường chứng khoán là sự quá đà nên khi giá trị là 950 điểm, thì sẽ có những lúc ngắn hạn thị trường sẽ còn phản ứng quá mức xuống dưới 950 điểm.

Ông Trần Đức Anh, chuyên viên phân tích, Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, CTCK Bảo Việt (BVSC)

Xu hướng bán ròng của khối ngoại trong gần 2 tháng trở lại đây đóng góp đáng kể vào diễn biến tiêu cực của chỉ số VN-Index. Đây vẫn là yếu tố quan trọng chi phối diễn biến chỉ số VN-Index cũng như tâm lý nhà đầu tư trong nước trong thời gian tới.

Trên thực tế, khối này không chỉ bán ròng trên TTCK Việt Nam, mà còn ở nhiều nước thuộc nhóm emerging market và frontier market khác với nguyên nhân đến từ ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và châu Âu, cùng với mức độ rủi ro đối với thị trường tài chính toàn cầu gia tăng do lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay các cuộc xung đột địa chính trị.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị vốn cho 2 mã cổ phiếu vốn hóa lớn lên sàn là VHM và Techcombank cũng là một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại bán ra trong thời gian qua. Trong ngắn hạn, tôi cho rằng, xu hướng bán ròng của khối ngoại khó có thể đảo chiều mạnh mẽ. Tuy nhiên trong trung, dài hạn, với triển vọng lạc quan của nền kinh tế Việt Nam, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, TTCK Việt Nam vẫn có sức hút riêng và có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng trong 2 quý cuối năm.

Theo Đầu tư chứng khoán

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...