Với yếu điểm cố hữu về pin lithium - ion, xe ô tô điện (xe điện) vẫn chủ yếu là lựa chọn của những khách hàng đô thị, chuyên di chuyển chặng ngắn (dưới 100 km/lần), và đặc biệt cư trú tại những khu vực sẵn các trạm sạc như chung cư, nhà riêng...
Trạm sạc chung cư: Khách không mời?
Tuy nhiên, việc lắp đặt các trụ sạc điện tại hầm để xe của các tòa nhà chung cư lại chưa nhận được sự đồng thuận của cư dân, bởi trong các khu dân cư, nhà cao tầng, hệ thống sạc xe điện thường gộp chung với đường dây kết nối thiết bị điện tòa nhà. Nhưng các trạm sạc này không có trong thiết kế truyền tải điện ban đầu của tòa nhà, nghĩa là các trạm sạc này có thể ảnh hưởng về công năng, mạng lưới điện và công tác phòng cháy, chữa cháy trong tòa nhà.
Do đó, về mặt quy định, khi chủ đầu tư hoặc ban quản lý tòa nhà muốn lắp đặt trạm sạc, cần nhận được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng sau khi duyệt thiết kế thi công phòng cháy chữa cháy, đồng thời được cư dân đồng thuận.
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ, trạm sạc xe điện không thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Tuy nhiên, khi lắp đặt các trạm sạc xe điện trong tầng hầm để xe của công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC mà làm ảnh hưởng đến các điều kiện về an toàn PCCC của công trình như làm thay đổi đường, lối thoát nạn; thay đổi giải pháp ngăn cháy; thay đổi về hệ thống PCCC...thì phải thẩm duyệt điều chỉnh, cải tạo cho công trình. Việc thẩm duyệt và nghiệm thu được thực hiện theo các quy định tại Điều 13 và Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.
Khoảng trống tiêu chuẩn, quy chuẩn
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), hiện nay nước ta đang có hơn 13.500 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia (TCVN), trong đó, tại thời điểm năm 2021, có 39 TCVN áp dụng cho xe điện.
Trong 39 TCVN này, mới chỉ đảm bảo một phần yêu cầu cho xe điện và các bộ phận chính như: động cơ, ắc quy, pin của xe điện nói chung mà chưa đảm bảo được các yêu cầu phát sinh hay những thay đổi lớn trong thời gian gần đây như các tiêu chuẩn mới liên quan đến cuộc cách mạng về pin, về thời gian sạc, hay về các hệ thống điều khiển trong xe điện.
Đối với hệ thống quy chuẩn quốc gia (QCVN), hiện chỉ có 5 QCVN dành riêng cho xe điện và chưa có quy chuẩn cho ô tô điện.
Về hạ tầng trạm sạc đã có một số quy chuẩn, tiêu chuẩn về trụ sạc, an toàn về điện, phòng cháy chữa cháy, nhưng còn thiếu các quy chuẩn về lắp đặt, vận hành và đo lường điện năng tại trạm sạc.
Về tiêu chuẩn, các trạm sạc ô tô điện hiện nay hoạt động dựa trên TCVN 13078:2020, bao gồm các tiêu chuẩn về: kết nối xe điện với nguồn cấp điện xoay chiều/một chiều, trạm sạc điện một chiều, yêu cầu tương thích điện từ của bộ sạc lắp trên xe điện.
Các tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn quốc tế IEC 61851. Theo đó, Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) đặt ra các quy định về đặc điểm và điều kiện vận hành của thiết bị sạc; kết nối giữa thiết bị sạc và xe điện; yêu cầu an toàn điện đối với thiết bị sạc. Ngoài ra, IEC cũng đặt ra các yêu cầu bổ sung cho trạm sạc, thiết bị sạc tại môi trường đặc thù như khu vực nguy hiểm, dễ cháy nổ, lắp đặt ở độ cao hơn 2.000m, thiết bị sạc trên tàu cao tốc...
Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay đã ghi nhận một số trường hợp xảy ra hỏa hoạn trong quá trình sạc xe điện. Nhưng, hệ thống QCVN chưa có quy chuẩn kỹ thuật và an toàn cụ thể nào về tiêu chuẩn của thiết bị và hệ thống trạm sạc cũng như các yêu cầu an toàn trong quá trình sạc đối với các loại thiết bị trên
Theo đề án phát triển xanh của Chính phủ, xe điện là trụ cột của sự di chuyển bền vững trong đô thị. Để khuyến khích và thúc đẩy việc áp dụng xe điện, cần tạo ra một môi trường thuận lợi, nhất là hệ thống hạ tầng trạm sạc. Mà việc xây dựng được trạm sạc, thì lại cần có những quy chuẩn , tiêu chuẩn rõ ràng để đảm bảo an toàn khi vận hành.
Việc lắp đặt các trạm sạc có thể gây áp lực rất lớn đến phụ tải điện. Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Với trường hợp phát triển trạm sạc của VinFast ở trên, nếu tính công suất tối thiểu mỗi trụ sạc 11kW thì 40.000 trụ sạc đồng nghĩa với khoảng 440MW sẽ đấu nối thêm vào hệ thống; thậm chí có thể hơn 1.000MW nếu tính các đầu sạc nhanh có công suất lớn.
“Với phụ tải là 440MW sẽ “ngốn” tương đương với khoảng 2 tổ máy của Thuỷ điện Hoà Bình (mỗi tổ máy có công suất 240MW), còn mức 1.000MW sẽ tương đương với công suất của Nhà máy thủy điện Lai Châu.