Trong một báo cáo mới đây của CNBC, trích dẫn dữ liệu đăng ký xe mới từ 28 quốc gia châu Âu do JATO thu thập, cho thấy doanh số của BYD tại khu vực đã tăng 359% trong tháng 4/2025 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu bước tiến mạnh mẽ trong hành trình hiện thực hoá tham vọng toàn cầu của hãng xe điện số 1 Trung Quốc.
Trong khi đó, đối thủ Tesla lại tiếp tục ghi nhận mức sụt giảm đáng kể, với doanh số trượt 49%, trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối CEO Elon Musk đang tiếp diễn tại nhiều nước trong khu vực Châu Âu.
Theo bà Liz Lee, Giám đốc tại Counterpoint Research, Châu Âu đang trở thành mặt trận cạnh tranh trọng điểm giữa hai “gã khổng lồ” xe điện, nhất là tốc độ tăng trưởng xe điện trong năm nay của EU dự kiến sẽ vượt cả Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là màn bứt tốc của BYD diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang áp dụng mức thuế trừng phạt lên tới 17% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, cao hơn nhiều so với mức 7,8% dành cho xe của Tesla. Một số nhà sản xuất Trung Quốc khác còn chịu mức thuế lên đến khoảng 35%, chưa kể tới thuế nhập khẩu cơ bản 10%.
Đã có dự đoán từ tổ chức Rhodium rằng mức thuế áp lên xe Trung Quốc phải đạt ít nhất 55% mới đủ để làm giảm sức hấp dẫn của các dòng xe giá rẻ này trên thị trường châu Âu. Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy các biện pháp thuế hiện hành chưa thể kìm hãm mục tiêu “bành trướng” của BYD.
Ông Felipe Munoz, chuyên gia phân tích toàn cầu tại JATO nhận định, nếu so sánh về con số, chênh lệch doanh số giữa BYD và Tesla trong tháng vừa qua không lớn, nhưng việc BYD vượt lên là một tín hiệu cực kỳ đáng lưu tâm. Không chỉ qua mặt Tesla, BYD còn vượt doanh số của các thương hiệu lâu đời như Fiat và Seat tại các thị trường lớn như Pháp.
“Đây là một bước ngoặt đối với thị trường xe hơi châu Âu, đặc biệt khi Tesla đã chiếm lĩnh thị trường xe điện trong nhiều năm, còn BYD mới chỉ chính thức hoạt động ngoài Na Uy và Hà Lan từ cuối năm 2022”, ông Munoz nhấn mạnh.
Trên thực tế, BYD vẫn tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng dù cho nhà máy mới của hãng tại Hungary, được kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất ở châu Âu của BYD, vẫn chưa đi vào hoạt động.
Chính động thái áp thuế mạnh tay của EU đã khiến hàng loạt hãng xe Trung Quốc như BYD đẩy nhanh chiến lược nội địa hóa sản xuất tại châu Âu, trong khi Tesla cũng đang xúc tiến kế hoạch mở rộng quy mô nhà máy tại Đức.
Theo JATO, nhiều hãng xe Trung Quốc đang nhanh chóng thích nghi với môi trường chính sách mới, chủ động phát triển đa dạng dòng sản phẩm, trong đó có các mẫu xe hybrid cắm sạc, dòng xe hiện chưa bị EU đánh thuế.
“Khách quan mà nói, Trung Quốc không chỉ dẫn đầu về xe điện thuần mà còn giữ vị thế số một thế giới về xe hybrid cắm sạc”, ông Felipe Munoz của JATO bình luận.
Dữ liệu từ JATO cũng chỉ ra sự tăng trưởng mạnh của thị trường xe điện nói chung, với lượng đăng ký xe điện thuần tăng 28% và xe hybrid cắm sạc tăng 31%, trong khi xe động cơ đốt trong tiếp tục giảm. Riêng các hãng xe Trung Quốc đã tăng 59% tổng lượng xe điện đăng ký mới trong tháng, đạt gần 15.300 chiếc.
Trước đó vào tháng 3/2025, Tesla lần đầu tiên tụt lại phía sau BYD về tổng doanh số hàng năm trên toàn cầu. Cùng thời điểm đó, cổ phiếu của Tesla mất hơn 10% giá trị, giữa làn sóng chỉ trích liên quan đến vai trò chính trị của CEO Elon Musk. Dù vậy, ông Musk mới đây đã cam kết sẽ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo Tesla thêm ít nhất 5 năm tới.
Trong khi đó, cổ phiếu của BYD tiếp tục “khởi sắc”, tăng 3,9% trong phiên giao dịch gần nhất tại Hồng Kông và đã tăng gần 78% từ đầu năm đến nay, phản ánh niềm tin ngày càng lớn của nhà đầu tư vào chiến lược toàn cầu hóa của hãng xe đến từ Trung Quốc.