Bất động sản sẽ “nổi sóng” trong năm 2021

Với nhận định kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn năm 2020, dự báo ở mức 6-6,8%, thị trường bất động sản sẽ phát triển khởi sắc khi nhu cầu mua nhà và đầu tư bất động sản sẽ tăng trở lại.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Tại Toạ đàm “Tìm xung lực cho thị trường bất động sản năm 2021” vừa được Báo Vnexpress và Tập đoàn FLC tổ chức ngày 5/1/2021 tại Khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Phúc, các chuyên gia kinh tế, đại diện Hiệp hội và doanh nghiệp đều nhận định lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, cùng với những xung lực mới hỗ trợ tích cực cho sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của bất động sản sau dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, những tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản bị “tê liệt” do áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế lây lan của Covid-19, khiến hàng loạt dự án bị đình trệ, giao dịch bất động sản ế ẩm, hạ tầng bất động sản du lịch hầu như bị đóng băng... Nửa cuối năm, hai đợt dịch Covid-19 quay lại nhưng điểm tích cực là hàng loạt dự án bất động sản trên cả nước vẫn về đích đúng hạn, tạo nguồn cung mới cho thị trường. Tuy vậy, vướng mắc về pháp lý đã cản trở phát triển nguồn cung cho thị trường bất động sản. Nguồn cung mới bất động sản năm 2020 vẫn đạt gần 60.000 sản phẩm, tương tương 87,6% so với năm 2019. Đây là những con số ấn tượng trong bối cảnh khó khăn chung do Covid-19.

Lực cầu bất động sản năm 2020 tuy giảm nhưng lại thu hút được đầu tư ngoài ngành vào thị trường bất động sản, làm tăng 30% lực cầu đầu tư mới cho thị trường, cùng với đầu tư công phát triển hạ tầng đô thị, đã giúp tăng lực cầu đầu tư bất động sản vào cuối năm 2020. Cụ thể, 74.500 sản phẩm đã được giao dịch thành công năm 2020, bằng 50% lượng giao dịch thành công năm 2019, tỷ lệ hấp thụ ở một số địa phương rất cao, đơn cử TP. HCM có tỷ lệ hấp thụ đạt 80%.

Mặc dù bất động sản du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhưng vẫn có tốc độ phát triển đầu tư rất mạnh. Hàng loạt dự án đô thị du lịch trên cả nước vẫn thi công rầm rộ, đơn cử khu đô thị đảo Sun Grand City, FLC Grand Hotel Quy Nhơn, NovaWorld.

Với dự báo tích cực về nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng 6-6,8% năm nay, thu hút FDI tăng mạnh, ông Nguyễn Văn Đính đưa dự báo sức cầu của thị trường bất động sản năm 2021 sẽ tương đương khoảng 70% năm 2019. Năm 2021 là năm đầu tiên các cấp chính quyền mới của các địa phương nhận nhiệm vụ sau Đại hội Đảng, chắc chắn sẽ có động thái thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển các dự án bất động sản để tạo nguồn thu cho địa phương. Cho nên, nguồn cung chắc chắn sẽ được bơm vào thị trường bất động sản nhiều hơn và phong phú hơn. Về phân khúc, nhà ở vừa túi tiền sẽ được các chủ đầu tư hướng tới hơn bất động sản cao cấp.

Đặc biệt, Thành phố Thủ Đức, thành phố Phú Quốc được thành lập sẽ là cú hích cho thị trường bất động sản phía Nam.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Ở góc độ chính sách pháp luật, ông Lê Hoàng Châu – Chỉ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn trong 5 năm qua và Covid-19 chỉ là yếu tố khiến khó khăn trầm trọng hơn. Nhưng bối cảnh hiện nay có lợi ích là giúp chúng ta đánh giá lại, nhìn nhận và tìm một hướng đi bền vững.

Đại hội Đảng lần thứ XI và XII đã xác định một trong 3 điểm nghẽn chính của kinh tế Việt Nam chính là cơ chế chính sách, nhất là sự chồng chéo trong các luật như luật nhà ở, Luật Đất đai khiến thị trường gặp khó khăn. Từ ngày 10/12/2015, tất cả các dự án đầu tư bị đình đốn nhưng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản có đỗ trễ đến 3 năm. Đến năm 2018, thị trường mới chứng kiến sự thiếu giảm nguồn cung, quy mô thị trường bị thu hẹp lại, giảm sản phẩm đưa ra thị trường, theo quy luật cạnh tranh, cầu nhiều cung thiếu thì giá sẽ tăng.

Do đó, “năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong công tác pháp lý bất động sản và năm 2021 sẽ tiếp đà nhiều dự án sẽ được tháo gỡ thủ tục mạnh mẽ”, ông Châu nói.

Về xu hướng đầu tư chuyển dần sang thị trường bất động sản ở các tỉnh lẻ, đại diện HoREA cho rằng, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần phải lựa chọn được địa bàn, người lãnh đạo địa phương là người có tầm nhìn, tâm huyết, lựa chọn những địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều nơi đang có nhiều tiềm năng. Dịch Covid-19 lại là cơ hội không nên bỏ lỡ để phát triển, nhưng cần phòng tránh rủi ro về pháp lý, tài chính doanh nghiệp, quy mô họat động phù hợp với quy mô và bộ máy tổ chức.

Năm qua hàng loạt doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề, song nhiều doanh nghiệp vẫn có hướng đi, giải pháp, sự chuẩn bị để có thể tăng tốc khi dịch bệnh đi qua. Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản 2021 khó có nguy cơ xảy ra khủng hoảng ảo hay bong bóng, ngược lại sẽ theo hướng ổn định và bền vững hơn năm 2020. Riêng về bất động sản du lịch, nhu cầu đầu tư sẽ tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng có quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng hiện đại, có cơ hội để khai thác kinh doanh tốt và bền vững. Ngoài ra, đầu tư bất động sản du lịch không chỉ hướng ra biển mà sẽ lan tỏa ra những vùng rừng núi, có khả năng khai thác kinh doanh tốt.

Chia sẻ nhận định về thị trường bất động sản trong năm 2021, dù trải qua nhiều khó khăn và thách thức từ đại dịch, song ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bày tỏ sự lạc quan về sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của bất động sản.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC

Theo ông, thị trường đón nhận thông tin Covid-19 còn tệ hơn những năm 2011-2012 khi thị trường bước vào giai đoạn khủng hoảng thừa. Còn năm 2020 là khủng hoảng thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, trong 5 tháng cuối năm, thị trường có nhiều dấu hiệu tích cực, thậm chí ngay cả tháng 7 “cô hồn” mà bất động sản vẫn phát triển không tưởng. Ông Quyết dẫn chứng việc bán hàng tại dự án FLC tại Hạ Long, sau tháng Ngâu, tất cả các căn xấu nhất trong 2.500 căn shophouse không chỉ bán hết mà còn tăng giá gấp rưỡi. 

Theo ông Quyết, tâm lý chung của nhà nhà đầu tư nhìn nhận thời kỳ xấu nhất đã qua rồi. Cùng với đó nguồn cung mới bị thiếu hụt đáng kể, nhất là hiếm có dự án nhà liền kề, dẫn tới hiện tượng sốt giá.

Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chỉ ra 6 xung lực chờ đón thị trường bất động sản năm 2021 và nhiều năm tới.

Thứ nhất, thị trường đã điều chỉnh nhanh nhạy theo tình tình dịch bệnh cũng như đưa công nghệ vào bán hàng. Toàn cảnh ngành bất động sản 2021 dự báo khả quan với tăng trưởng kinh tế dự báo tăng 6,5-7%, và bình quân 10 năm tới có thể đạt 7%, nếu Việt Nam làm tốt các đột phá đã xác định cho giai đoạn tới.

Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Thứ 2 là những luật sửa đổi bổ sung như luật doanh nghiệp với nhiều điểm tinh giản đáng kể. Luật chứng khoản bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm với điểm nhấn là huy động vốn từ các quỹ sẽ là động lực cho doanh nghiệp.

Thứ 3 là dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh doanh nghiệp quốc tế tìm đến những vùng đất mới an toàn và rẻ hơn đã tạo ra một cơ hội mới. Ông Lực chia sẻ, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản thông báo chuyển nhà máy ra khỏi Nhật Bản thì có 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam, là chuyện chưa từng có trước đây,

Thứ 4 là khi kinh tế suy thoái, đầu tư công là kênh đầu tư rất tốt, mức độ lan toả nhanh hơn. Giải ngân đầu tư công nhanh đóng góp chung cho sư tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, tương đương 0,2%.

Thứ 5 là chuyển đổi số trong kinh doanh bất động sản là vô cùng tốt và nhanh. Công nghệ tạo ra một hệ sinh thái mới với cơ hội tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn.

Thứ 6 là lãi suất hiện đang ở mức thấp nhất trong 15 năm qua. Các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà, hay đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…