Theo cáo buộc, PVN đã 3 lần góp vốn với tổng số tiền 800 tỷ đồng vào Oceanbank. Trong đó, lần góp vốn thứ 3, với số tiền 100 tỷ đồng, đã được thực hiện khi Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực.
Theo quy định tại khoản 2 điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”. Như vậy, phần vốn của PVN tại Oceanbank đã vượt quá 5% so với quy định.
Trả lời trước tòa về việc thời điểm 2011, PVN vẫn duy trì tỷ lệ góp vốn 20% có trái với luật tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1-1-2011 không, bị cáo Đinh La Thăng trình bày, theo Luật tổ chức tín dụng, các cổ đông là tổ chức không được góp vốn quá 15% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, việc mua cổ phần, góp vốn hay thoái vốn của PVN tại OceanBank đều phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của NHNN Việt Nam. Thời điểm đó chưa có hướng dẫn của Chính phủ cũng như của NHNN. Việc PVN vẫn giữ 20% vốn điều lệ tại OceanBank là theo cái đã góp từ 2010.
Về việc ký Quyết định giao cho Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện phần vốn của PVN tại Oceanbank với tỷ lệ 20% vốn điều lệ của Oceanbank, bị cáo Đinh La Thăng so sánh: “Nó cũng giống như việc quy định năm học mới, mỗi một lớp học không quá 35 học sinh, nhưng trước đó quy định là không quá 50. Việc hiệu trưởng ký giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm thì vẫn phải giao quản lý 50 học sinh chứ không chỉ giao quản lý 35 học sinh được. Tỷ lệ 20% này muốn rút được thì cũng phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế, khi PVN đã tìm được đối tác để chuyển nhượng lại phần vốn này thì Thủ tướng Chính phủ không đồng ý nên PVN cũng không thể thoái vốn được”.
Về Nghị quyết 4266 thông qua chủ trương góp vốn đợt 3, bị cáo Đinh La Thăng khai, khi đó, bị cáo đi công tác vắng, đã ủy quyền điều hành cho Nguyễn Xuân Thắng, thành viên HĐTV PVN.
"Khi bị cáo đi công tác về, tổ thư ký có báo cáo những văn bản ban hành trong thời gian bị cáo đi vắng nhưng tổ thư ký báo cáo rất nhiều văn bản, bị cáo cũng không nhớ có Nghị quyết đó hay không", bị cáo Thăng khai và cho biết, nếu biết việc góp vốn vượt so với quy định của Luật thì bị cáo sẽ không cho làm.
Ông Thăng cho rằng mỗi ngày, lượng văn bản chuyển đến HĐTV rất nhiều, các NQ ban hành cũng rất nhiều. Chủ tịch HĐTV có trách nhiệm giám sát việc thực hiện các Nghị quyết. Tuy nhiên, ông Thăng nói đây là thời điểm ông chuẩn bị chuyển sang nhiệm vụ mới, có rất nhiều việc cần phải làm nên ông cũng không đọc hết mọi tài liệu gửi về cho HĐTV trong thời gian đó.
Hội đồng xét xử đã thẩm vấn người làm chứng Thủy Tiên, nguyên là Thư ký Hội đồng thành viên. Bà Thủy Tiên khai, sau khi Chủ tịch (bị cáo Đinh La Thăng – PV) đi công tác về, theo quy chế, thư ký HĐTV sẽ chuyển cho thư ký của Chủ tịch các văn bản, nghị quyết được ký ban hành trong thời gian Chủ tịch đi vắng.
Theo bà Thủy Tiên, việc này có bằng chứng là dòng chữ “b/cáo a.Thăng (R)” ở góc văn bản. Bà Thủy Tiên cho biết, đã chuyển các văn bản cho bà Bùi Hà Châu là thư ký của bị cáo Đinh La Thăng.
Bà Bùi Hà Châu cũng khai tại tòa, đã thực hiện đúng các quy chế của PVN, chuyển các văn bản tới Chủ tịch Đinh La Thăng.
Chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh, như vậy bị cáo Đinh La Thăng có biết về Nghị quyết này.
Bị cáo Vũ Khánh Trường, nguyên thành viên HĐTV thừa nhận, khi PVN góp vốn lần thứ 3 lên thêm 100 tỷ đông thì bị cáo đã có ý kiến đồng ý. Nhưng bị cáo giải trình trên các căn cứ đầy đủ tính pháp lý, tính hiệu quả kinh tế, các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho giai đoạn đó nên khi đó bị cáo nhận thức không có gì làm trái.
"Sau này khi các cán bộ điều tra cho biết vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng. Thực tình, tôi không phụ trách lĩnh vực tài chính ngân hàng nên không cập nhật thông tin về Luật Các tổ chức tín dụng vì trong các báo cáo từ dưới lên trên không có", bị cáo Trường khai.
>> Ông Đinh La Thăng khai gì về thiệt hại 800 tỉ đồng?