Bị EVN nợ 13.000 tỷ đồng, PV Power than gặp khó

Tại cuộc họp với Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã cho biết về những khó khăn và thách thức đang phải đối mặt...
PV Power

Theo Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), tình hình thu hồi công nợ từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vô cùng khó khăn, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền nợ đọng đã xấp xỉ 13.000 tỷ đồng. Điều này đã khiến cho PV Power vấp phải khó khăn trong công tác cân đối dòng tiền.

Báo cáo tài chính quý 1/2023 cho thấy, các khoản phải thu ngắn hạn của PV Power là 17.166 tỷ, chiếm 30% tổng tài sản, trong đó phải thu ngắn hạn từ các khách hàng là các công ty mua bán điện hơn 14.221 tỷ đồng.

Trên thực tế, EVN và cả một số tổng công ty điện lực thuộc EVN đang nợ nhiều công ty cùng các nhà cung cấp liên quan đến khoản thanh toán tiền mua điện. Trong báo cáo vào hồi tháng 6/2023, EVN từng cho biết số nợ vay tại các đơn vị thành viên là rất lớn cùng với đó nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 diễn ra vào cuối tháng 3, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán: REE) từng tiết lộ EVN chiếm dụng tiền bán điện của các nhà máy tổng cộng khoảng 2.000 cho đến 3.000 tỷ đồng.

Trước đó EVN đã cho biết, từ năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của Tập đoàn và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu, hoạt động sản xuất điện bị lỗ. Điều này đã làm thiếu hụt dòng tiền thanh toán cho các nhà cung cấp nhiên liệu, đơn vị bán điện.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương vào đầu tháng 4, năm 2022 tính riêng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Nhưng, nhờ vào khoản thu nhập từ hoạt động tài chính và tiền bán công suất phản kháng thì mức lỗ giảm xuống còn 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Phía EVN giải thích, các yếu tố đầu vào, đặc biệt là nhiệt điện than giá cao gấp nhiều lần dẫn tới khoản lỗ này. Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, bản thân EVN phải nỗ lực rất lớn, để cuối cùng lỗ hơn 26.000 tỷ đồng.

Ngoài khoản nợ của EVN, PV Power cho biết thêm, nửa đầu năm 2023 một số nhà máy thuộc PV Power không đạt sản lượng điện hợp đồng. Các nhà máy thủy điện trong tình trạng thiếu nước, nguồn khí cũng bị thiếu hụt, đặc biệt là tổ máy số 1 tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố.

PV Power cũng đang đối mặt một số vướng mắc liên quan trong thu xếp vốn, đấu nối, đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA), đàm phán hợp đồng mua bán khí (GSA) tại Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4.

Bên cạnh đó là khó khăn trong việc huy động chạy dầu DO trong đợt cao điểm huy động điện phát sinh nhiều vấn đề như chi phí tăng, bảo dưỡng sửa chữa thiết bị, máy móc.

Kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng điện của PV Power đạt 8,34 tỷ kWh điện (đạt 96% kế hoạch đề ra) và tăng hơn 17% so với cùng kỳ. Ngoài ra, chi tiết sản lượng điện của các nhà máy chưa được PV Power công bố.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm