Cụ thể, BIDV đã thực hiện phân phối 249.932 trái phiếu 2026 (mệnh giá 10.000.000 đồng/trái phiếu) và 50.000 trái phiếu 2029 (mệnh giá 10.000.000 đồng/trái phiếu). Tổng giá trị chào bán thành công gần 3.000 tỷ đồng.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2019, ngân hàng này đã đăng ký chào bán 300.000 trái phiếu gồm 250.000 trái phiếu kỳ hạn 7 năm, đáo hạn vào năm 2026 và 50.000 trái phiếu kỳ hạn 10 năm, đáo hạn vào năm 2029.
Mục đích của việc phát hành trái phiếu theo BIDV là để bổ sung nguồn vốn cấp 2 và phục vụ cho các dự án cho vay trung và dài hạn của ngân hàng.
Đây đều là các loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm, thoả mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng theo quy định hiện hành, mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, lãi suất thả nổi theo lãi suất của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.
Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 7 năm bằng lãi suất tham chiếu cộng 1,2%/năm; trái phiếu kỳ hạn 10 năm có lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng 1,3%/năm.
Như vậy, với kết quả phát hành như trên, BIDV đã có thêm gần 3.000 tỷ đồng để bổ sung vào vốn cấp 2 nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay VND trong năm 2019 đối với các dự án trung và dài hạn.
Được biết, năm 2018, BIDV đã được NHNN chấp thuận về chủ trương đối với phương án chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với số lượng hơn 600 triệu cổ phần tương đương tỷ lệ phát hành 17,65%.
BIDV cũng đã phát hành thành công hai đợt trái phiếu gồm hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ và 4.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng đủ điều kiện tính vào vốn tự có cấp 2.
Cũng như Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV đang đau đầu về vốn điều lệ quá thấp, không đáp ứng đủ hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) so với chuẩn mực Basel 2, nhất là khi mở rộng tín dụng.
Hồi cuối tháng 7 vừa qua, BIDV cũng đã chốt phương án phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank số lượng 603.302.706 cổ phần, tương ứng tỷ lệ 15% vốn điều lệ của BIDV sau khi đầu tư. Tổng giá trị của giao dịch là 20.295.103.029.840 đồng.
Sau khi phát hành cho đối tác nêu trên, vốn Nhà nước sẽ giảm còn trên 80% vốn điều lệ từ mức 95,28% tại thời điểm hiện nay. Theo một lãnh đạo BIDV, KEB Hana Bank sẽ đóng góp cho BIDV mảng sản phẩm bán lẻ, phát triển hệ thống Digital Banking và quản trị rủi ro theo các chuẩn mực hiện đại.
>> BIDV có thể bán vốn cho KEB Hana Bank trong tháng 10