Trước đó, BIDV cũng đã hoàn tất phát hành chiến lược cho KEB Hana Bank bằng việc phát hành 603 triệu cổ phiếu. Thương vụ này đã giúp BIDV thu về hơn 20.20 tỷ đồng, trở thành ngân hàng lớn nhất về vốn điều lệ ở Việt Nam. Hệ số an toàn vốn CAR theo Basel 2 tăng lên trên 9%.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020 mới đây, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, đã kiến nghị Chính phủ cần sớm xem xét cho BIDV được tăng vốn bằng cổ phiếu. Bên cạnh đó, các thủ tục phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cho người lao động cũng cần đơn giản hơn.
VDSC nhận định thương vụ phát hành chiến lược giúp cải thiện nền tảng cơ bản và triển vọng của BIDV. Một mặt, NIM nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trong năm 2020 nhờ vào tăng trưởng tín dụng dự báo đạt 13%/năm và áp lực huy động giảm bớt, do ngân hàng sẽ ít phải phụ thuộc hơn vào việc huy động thông qua tiền gửi và trái phiếu kỳ hạn dài.
Mặt khác, năng lực cạnh tranh của BIDV trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, SME, FDI, ngân hàng số và quản lý chất lượng tài sản cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ vào sự tham gia quản lý của KEB Hana Bank, ngân hàng hàng đầu của Hàn Quốc về quy mô và các dịch vụ ngân hàng mới, đang quyết tâm triển khai chiến lược số hóa và toàn cầu hóa.
Theo VDSC, ưu tiên hiện tại của BIDV là cải thiện chất lượng tài sản và làm sạch bảng cân đối kế toán, do đó tăng trưởng lợi nhuận chỉ ở mức thấp. Lũy kế 9 tháng 2019, tỷ lệ nợ xấu tăng 19 điểm cơ bản và ngân hàng trích dự phòng đến 70% lợi nhuận trước dự phòng, nâng tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu từ 66% lên 78,2%.
Trong khi đó, quá trình xử lý nợ VAMC cũng có tiến triển tốt. BIDV có thể tiếp tục trích một phần dự phòng để tất toán hết nợ ở VAMC trong nửa đầu năm sau, dù vậy gánh nặng dự phòng/thu nhập dự báo giảm và tăng trưởng lợi nhuận sẽ đi lên trong năm 2020.
VDSC ước tính năm 2020, lợi nhuận sau thuế của BIDV có thể đạt 11.000 tỷ, EPS đạt 2.177 đồng/cp.