Các quốc gia Đông Nam Á từng phần lớn kiềm chế được các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 năm ngoái nhưng hiện đang phải vật lộn với tình hình gia tăng ca nhiễm khiến các dịch vụ y tế quá tải, thiếu giường bệnh, trang thiết bị và oxy. Các chính phủ cũng đã nhanh chóng phong toả quốc gia, đóng cửa biên giới, tạm dừng tất cả hoạt động không thiết yếu.
Tại một số quốc gia như Malaysia và Thái Lan, các cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ của họ xử lý dịch bệnh đã nổ ra trong thời gian gần đây. Trong khi đó, Myanmar đang đứng trên bờ vực khi một cuộc đảo chính quân sự vào tháng Hai và cuộc đàn áp sau đó đã phá vỡ hệ thống y tế và việc tiêm chủng hoàn toàn bị đình trệ.
Mặc dù các quốc gia giàu có hơn trên thế giới, như Vương quốc Anh và Singapore, cũng đang chứng kiến những làn sóng dịch bệnh mới, nhưng họ đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn một nửa dân số của mình. Theo thống kê của Our World in Data, Việt Nam mới tiêm phòng đầy đủ cho chưa đến 1% dân số, Thái Lan khoảng 5%, Philippines 7,2% và tâm chấn Covid-19 châu Á Indonesia 7,6%.
Hơn một năm rưỡi sau đại dịch, biến thể Delta dễ lây lan đang bộc lộ những yếu điểm của các quốc gia có tỷ lệ vaccine thấp, ngay cả khi trước đó họ đã kiểm soát được dịch bệnh.
Indonesia
Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, Indonesia, gần đây đã vượt qua Ấn Độ để trở thành tâm chấn Covid-19 của châu Á, và đợt bùng phát đã có sức tàn phá khủng khiếp với hơn 50.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Vào 4/8, Indonesia đã vượt mốc 100.000 ca tử vong do coronavirus, là quốc gia thứ 2 của châu Á phải đối mặt với con số khủng khiếp này. Cùng ngày, 1.747 trường hợp tử vong và 35.867 ca nhiễm mới đã được báo cáo, theo Bộ Y tế Indonesia.
Nếu sự lây lan tiếp tục của dịch bệnh không suy giảm, các chuyên gia cho rằng nó có thể đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe của Indonesia đến bờ vực của thảm họa. Một số lo sợ rằng tình hình có thể tồi tệ hơn những con số được ghi nhận, bởi còn thiếu xét nghiệm ở một số khu vực. Một cuộc khảo sát địa phương cho thấy gần một nửa trong số 10,6 triệu cư dân của thủ đô Jakarta, có thể đã nhiễm Covid-19.
Indonesia đang trải qua một cuộc khủng hoảng y tế, với các bệnh viện đã nỗ lực hết sức, nhân viên tuyến đầu kiệt quệ và các nghĩa trang phài mở rộng đến giới hạn để chôn cất các nạn nhân của Covid-19.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng Indonesia hiện đang phải “trả giá” vì đã không thực hiện các biện pháp đóng cửa, giãn cách chặt chẽ cũng như không đầu tư đủ vào các hệ thống theo dõi, kiểm tra hiệu quả.
Ngày 2/8, chính phủ đã thông báo gia hạn các hạn chế Cấp độ 4 (cấp độ cao nhất) ở một số thành phố và khu vực, bao gồm thủ đô Jakarta và các đảo Java, Bali trong một tuần nữa. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế nước này cho biết làn sóng hiện nay đã lên đến đỉnh điểm ở một số khu vực và các nhà chức trách đang nhắm đến khả năng dần dần mở cửa lại nền kinh tế vào tháng 9, theo Reuters.
Việt Nam
Có lẽ không nơi nào ở Đông Nam Á mà diễn biến dịch bệnh lại rõ ràng hơn Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam được coi là hình mẫu hàng đầu trong việc ngăn ngừa virus nhờ chiến lược tích cực trong việc sàng lọc sớm cũng như chương trình kiểm dịch và giám sát nghiêm ngặt. Trong một năm rưỡi qua, người dân Việt Nam đã có thể sống một cuộc sống tương đối bình thường và nền kinh tế thực sự đã tăng trưởng 2,9% vào năm 2020, theo Ngân hàng Thế giới.
Nhưng kể từ cuối tháng 4 năm nay, Việt Nam đã báo cáo sự gia tăng mạnh về số ca nhiễm Covid-19. Vào ngày 4/8, Việt Nam báo cáo 7.623 trường hợp mới, giảm từ con số 8.620 vào 1/8 với hầu hết các trường hợp nhiễm mới ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế cho biết. Tổng cộng, Việt Nam đã xác nhận 177.813 trường hợp, hơn 85% trong số đó được báo cáo chỉ trong tháng qua, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins. Trong số 2.327 trường hợp tử vong của Việt Nam, khoảng một nửa được báo cáo trong tháng 7.
Chính phủ đã áp đặt các lệnh giãn cách nghiêm ngặt ở thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để cố gắng hạn chế sự lây lan của virus, đồng thời thành lập các trung tâm điều trị Covid-19 để tiếp nhận bệnh nhân. Nhưng sự bùng phát đã gây áp lực lên chính phủ trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp vaccine và tăng cường tiêm chủng.
Malaysia
Bất chấp các biện pháp đóng cửa quốc gia, Malaysia cũng đã chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân về số ca mắc và tử vong vì Covid-19.
Và sự giận dữ của dân chúng đang ngày một gia tăng. Hàng trăm người đã phá bỏ các quy định hạn chế về để tham gia biểu tình ở thủ đô Kuala Lumpur vào cuối tuần trước, phản đối việc chính phủ xử lý ổ dịch và kêu gọi Thủ tướng Muhyiddin Yassin từ chức.
Nỗi thất vọng về số người tử vong ngày càng tăng, tỷ lệ vaccine thấp và nỗi đau kinh tế càng trầm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại của Malaysia, trong đó chính phủ của ông Muhyiddin đang trên bờ vực sụp đổ.
Tuần trước, hàng nghìn bác sĩ Malaysia phải làm việc quá sức đã đình công, nói rằng họ đã bị đẩy đến bờ vực, khi giường bệnh và máy thở cạn kiệt.
Cuộc biểu tình diễn ra khi tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Malaysia vượt qua con số 1 triệu trường hợp. Vào 4/8, Malaysia báo cáo số ca mắc kỷ lục mới, với 19.819 ca nhiễm, theo Bộ Y tế, tăng gấp đôi so với khoảng 7.000 ca của một tháng trước. Số ca tử vong do Covid-19 cũng ở mức kỷ lục, với 257 ca được báo cáo.
Làn sóng dịch bệnh lần này được cho là khởi phát từ các cụm dịch Covid-19 trong các ngành sản xuất và vận tải. Và trong khi toàn quốc ban bố giãn cách vào 12/5, thì các bộ phận lớn của lĩnh vực sản xuất được coi là thiết yếu vẫn tiếp tục làm việc bất chấp nguy cơ gia tăng, Reuters đưa tin.
Tỷ lệ vaccine của Malaysia đã được cải thiện trong tháng qua, đặc biệt là so với các nước láng giềng trong khu vực. Theo Our World in Data, khoảng 22,5% người dân Malaysia được tiêm chủng đầy đủ.
Thái Lan
Mặc dù là quốc gia đầu tiên báo cáo trường hợp nhiễm Covid-19 bên ngoài Trung Quốc vào tháng 1/2020, nhưng Thái Lan vẫn giữ số lượng nhiễm nhiễm khá thấp trong suốt năm 2020 nhờ các biện pháp ngăn chặn thành công.
Tuy nhiên, năm nay, nước này đang phải đối mặt với một thách thức lớn hơn nhiều. Thái Lan hiện phải vật lộn để kiềm chế làn sóng thứ 3 đang đẩy số người tử vong hàng ngày lên mức chưa từng có. Thái Lan báo cáo mức cao kỷ lục trong số các trường hợp được xác nhận hàng ngày, với 20.920 trường hợp mới - cũng là ngày thứ hai báo cáo hơn 20.000 trường hợp, theo Trung tâm Quản lý Tình huống Covid-19 (CCSA). Thái Lan cũng ghi nhận 160 người tử vong trong cùng ngày 4/8, nâng tổng số lên 5.663 người.
Các bệnh viện ở thủ đô Bangkok đã trở nên quá tải bởi lượng ca bệnh tăng đột biến và nhu cầu về giường bệnh đã vượt quá khả năng cung cấp. Các nhà chức trách đang chạy đua để giảm bớt gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Tiến sĩ Supat Hasuwannakit, chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Nông thôn, cho biết Bangkok đang cử hơn 400 bác sĩ và y tá từ các khu vực tỉnh lẻ đến các khu ổ chuột và khu đông dân cư của thành phố để kiểm tra và cách ly 250.000 cư dân. “Chúng tôi có thể chưa thể giảm được tỷ lệ lây nhiễm, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ giảm bớt tình trạng giường chiếu ở Bangkok và làm chậm tỷ lệ tử vong.” Một nhà kho hàng hóa tại sân bay Don Muang của Bangkok đã được biến thành bệnh viện dã chiến chứa khoảng 1.800 giường cho bệnh nhân Covid-19 với các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, và 15 con tàu chở khách đang được chuyển thành cơ sở cách ly cộng đồng cho bệnh nhân đang chờ giường bệnh.
Nỗi đau kinh tế kéo dài và sự sợ hãi về số người tử vong gia tăng đang gây ảnh hưởng đến các công dân Thái Lan. Công chúng đã phản đối kịch liệt sau khi một số thi thể được tìm thấy đã chết trên đường phố Bangkok và bị bỏ lại trên đường trong nhiều giờ trước khi xe cứu thương tìm được họ.
Hàng nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ trên khắp đất nước vào 1/8, kêu gọi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ chức, người bị chính phủ chỉ trích nặng nề vì cách thức xử lý đại dịch.
Thái Lan đang đặt mục tiêu tiêm chủng cho 50 triệu người vào cuối năm nay. Nhưng theo dữ liệu do CCSA công bố, 23% trong số 70 triệu người của đất nước đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, trong khi 5% được tiêm chủng đầy đủ.
Myanmar
Myanmar hiện đang “chìm” trong cuộc khủng hoảng kép của đại dịch và đảo chính quân sự. Tình trạng thiếu oxy trầm trọng hơn bao giờ hết với những gia đình người bệnh nặng phải xếp hàng để mua oxy hoặc “điên cuồng” tìm kiếm trên mạng các phương pháp điều trị Covid-19.
Các bác sĩ cho biết người dân đang chọn cách tự điều trị tại nhà. Nếu họ đến bệnh viện, họ thường bị từ chối vì các cơ sở đều hết oxy, giường bệnh, và không có đủ nhân viên để chăm sóc cho bệnh nhân. Liên hợp quốc ước tính chỉ có 40% cơ sở chăm sóc sức khỏe của nước này vẫn có thể hoạt động.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số ca mắc hàng ngày được báo cáo ở Myanmar đã tăng từ khoảng 100 ca vào đầu tháng 6 lên khoảng 5.000 ca mỗi ngày, với tổng số ca nhiễm được xác nhận là 315.118. Myanmar cũng đã báo cáo 10.373 người đã tử vong vì dịch bệnh.
Các loại vaccine nhập khẩu cũng đã bị đình trệ theo quy định của quân đội, và việc có quá ít xét nghiệm, thiếu dữ liệu chính thức và sự mất lòng tin của công chúng đồng nghĩa rằng mức độ thực sự của cuộc khủng hoảng vẫn chưa được đánh giá chuẩn xác. Tuần trước, Đại sứ Liên hợp quốc Barbara Woodward cảnh báo rằng một nửa trong số 54 triệu người Myanmar có thể bị nhiễm Covid-19 trong hai tuần tới.