Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề 4 ngân hàng thương mại khối Nhà nước cấp bách xin tăng vốn (gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank).
Theo ông Tú, trong năm vừa qua, 4 ngân hàng thương mại khối Nhà nước có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh, khoảng 16% cho mỗi ngân hàng nhưng vốn điều lệ thì không được bổ sung kịp thời nên hệ số an toàn vốn (CAR) bị hạn chế.
Đối với các ngân hàng thương mại thì điểm quan trọng được chú ý là CAR, được tính trên tổng số vốn điều lệ chia cho tổng số tài sản. Tỉ lệ này luôn luôn phải bảo đảm lớn hơn hoặc bằng 9%, tối thiểu phải bằng 9%, có nghĩa là tổng số vốn điều lệ phải chiếm 9% tổng số vốn tài sản có, mà trong tài sản có chính là nguồn vốn tín dụng, có thể là dư nợ để thực hiện hình thức cho vay của ngân hàng thương mại.
"Trong khi đó, hiện hệ số CAR của 4 "ông lớn" này đã xấp xỉ ngưỡng 9% - mức tối thiểu đảm bảo an toàn vốn. Vì thế, NHNN đã đề xuất được phép sử dụng nguồn cổ tức Nhà nước năm 2018 để tăng vốn điều lệ, thay vì nộp vào ngân sách. "Khả năng tăng vốn càng cao thì hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lên", ông Tú cho biết.
Đề xuất này đã được cơ quan quản lý tiền tệ đưa ra và đang chờ ý kiến tham gia góp ý từ các Bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng xem xét.
Trong những năm trở lại, nhóm ngân hàng thương mại khối Nhà nước đã không ít lần đề xuất các giải pháp khác nhau để giải quyết “bài toán” tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, hầu hết các giải pháp này đều đỏi hỏi sự kiên nhẫn nhất định.
Mới đây nhất là trường hợp của BIDV, các phương án tăng vốn điều lệ thêm 9.541 tỷ đồng từ 5 nguồn khác nhau đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018 của nhà băng này thông qua từ tháng 4/2018. Nhưng phải đến ngày 11/12/2018, NHNN mới có văn bản phản hồi, chính thức cho ý kiến về các phương án tăng vốn này.
Theo đó, NHNN đã chấp nhận phương án khả dĩ và cũng được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng nhất là việc BIDV sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài cụ thể là Keb Hana Bank.Các phương án tăng vốn từ nguồn khác thì được NHNN “hẹn” sẽ có ý kiến sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú đã có chia sẻ với cổ đông về quá trình đàm phán với Keb Hana Bank vẫn chưa có hồi kết do “giá kỳ vọng của đối tác và chúng ta chưa gặp nhau”.
Đối với Vietinbank nhu cầu tăng vốn của nhà băng này cũng đang “rất cấp bách”, do đó, tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, các cổ đông đã thông qua tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2018 của VietinBank với 2 phương án là chia toàn bộ cổ tức bằng cổ phiếu hoặc để lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn điều lệ.
Thế nhưng, các phương án này cũng sẽ chỉ được thực hiện sau khi có sự phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là NHNN.