“Bình dân học vụ số” trong ngành ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước phát động hai phong trào thi đua lớn: “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số”, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW và thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành...

Hội nghị phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” của ngành ngân hàng gắn với Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hội nghị phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” của ngành ngân hàng gắn với Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội nghị phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” của ngành ngân hàng gắn với Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, quán triệt nội dung, tinh thần tại Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP, Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, rà soát đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ ngành Ngân hàng được giao để ban hành Kế hoạch triển khai của ngành ngân hàng tại Quyết định số 1364/QĐ-NHNN ngày 5/3/2025 với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và nhất quán. Các nhiệm vụ tại Kế hoạch đã được giao cụ thể đến các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để tổ chức triển khai.

Phó Thống đốc cho biết, triển khai Quyết định số 923/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Ngân hàng Nhà nước phát động triển khai 2 phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và phong trào “Bình dân học vụ số” trong toàn ngành Ngân hàng.

"Đây là lời phát động và hiệu triệu toàn ngành ngân hàng không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới", theo Phó Thống đốc.

7023e9db38428d1cd453.jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị

Hai phong trào nhằm thúc đẩy tinh thần thi đua sâu rộng, nâng cao trách nhiệm cá nhân và tập thể trong toàn ngành Ngân hàng trong việc phổ cập kiến thức chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, cũng như tạo ra những giá trị thực tiễn trong phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Phong trào không chỉ hướng tới đổi mới quy trình làm việc mà còn góp phần xây dựng “văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số, văn hóa học tập suốt đời” – một trụ cột cho chiến lược phát triển bền vững của ngành Ngân hàng trong kỷ nguyên số.

Với định hướng “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, ngành Ngân hàng đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình số hóa. cho đến nay: Hơn 90% giao dịch tại nhiều tổ chức tín dụng được thực hiện qua kênh số. 87% người trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng. Các nghiệp vụ như gửi tiền, mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, vay vốn… đã được số hóa 100%.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý, đầu tư phát triển hạ tầng số, đảm bảo an toàn – an ninh hệ thống thông tin, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện.

Để hai phong trào thi đua thực sự đi vào chiều sâu và mang lại kết quả cụ thể, ngành ngân hàng sẽ tập trung vào 4 nhóm hành động chiến lược trong thời gian tới: Đẩy mạnh truyền thông phong trào thi đua, xây dựng điển hình tiên tiến, lan tỏa giá trị từ các sáng kiến số thực tiễn; Hoàn thiện quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ; Đầu tư hạ tầng số, phát triển năng lực dữ liệu, cập nhật xu hướng công nghệ hiện đại; Xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao, thúc đẩy tư duy phân tích và ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Tại hội nghị, lãnh đạo các ngân hàng cũng đưa ra nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của toàn ngành, góp phần phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Từ thực tiễn triển khai chuyển đổi số tại BIDV và trên tinh thần đồng hành cùng định hướng của Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo ngân hàng này đã đưa ra nhiều kiến nghị.

Trước hết, BIDV nhấn mạnh sự cần thiết của việc phổ cập tài chính số và lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số” trên phạm vi toàn quốc. Để làm được điều này, ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng các chương trình đào tạo, truyền thông và đánh giá năng lực số, không chỉ dành cho cán bộ ngành ngân hàng mà còn cho người dân, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Theo BIDV, đây là nền tảng thiết yếu để đảm bảo quá trình chuyển đổi số không ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh đó, BIDV đề xuất mở rộng không gian pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngân hàng số và tài chính số phát triển. Cụ thể, ngân hàng kiến nghị sớm ban hành hướng dẫn triển khai cơ chế sandbox theo Nghị định 94/2025/NĐ-CP, trong đó ưu tiên các lĩnh vực như chấm điểm tín dụng, cho vay điện tử và chia sẻ dữ liệu qua Open API.

Ngoài ra, việc nới hạn mức vay trực tuyến vượt ngưỡng 100 triệu đồng và cho phép sử dụng kết quả đánh giá tín dụng từ bên thứ ba cũng được BIDV đề cập như một giải pháp đột phá.

Cùng với đó là ban hành hướng dẫn về lưu trữ hồ sơ số và chấp nhận căn cước công dân nước ngoài qua eKYC nhằm mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.

Một trọng tâm khác được BIDV đặc biệt lưu ý là phát triển hạ tầng dùng chung và nền tảng dữ liệu số quốc gia. Theo đó, BIDV đề xuất triển khai sáng kiến “tích xanh tài khoản”, giúp kết nối tài khoản ngân hàng với các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, bảo hiểm xã hội, thuế...

Song song, ngân hàng này cũng khuyến nghị nghiên cứu xây dựng nền tảng Open Banking & Open Finance ở tầm quốc gia, có thể tham khảo các mô hình thành công như SGFinDex của Singapore hay MyData của Hàn Quốc, hướng tới một hệ sinh thái tài chính mở, minh bạch, an toàn và cạnh tranh lành mạnh.

Đồng quan điểm về vai trò then chốt của chuyển đổi số toàn diện, lãnh đạo Vietcombank nhấn mạnh cần có định hướng mạnh mẽ hơn từ phía Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là về cơ chế, chính sách để phổ cập ngân hàng số đến mọi tầng lớp dân cư. Những khu vực còn hạn chế về hạ tầng như vùng sâu, vùng xa cần được ưu tiên tiếp cận.

Vietcombank cũng kiến nghị tăng cường liên kết giữa ngành ngân hàng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các cơ quan truyền thông để cùng lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số”. Ngoài ra, ngân hàng đề xuất tiếp tục hỗ trợ các cơ chế thử nghiệm như sandbox để tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính chủ động hơn trong cải tiến sản phẩm và dịch vụ.

Trong khi đó, đại diện VIB cho rằng cần áp dụng tư duy hoạch định hiện đại, với cơ chế đánh số định danh và quản lý phiên bản; Sử dụng AI để giải mã và rà soát văn bản pháp luật, đảm bảo tính tuân thủ nhanh chóng; Khơi dậy tinh thần “Bình dân học vụ số”, Khuyến khích mỗi cán bộ trở thành nhân tố đổi mới.

Phía lãnh đạo MB nhấn mạnh cần đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo nhân lực công nghệ, đặc biệt là các chuyên gia an ninh mạng. Ngân hàng đề xuất thành lập trung tâm chuyên trách đào tạo và phát triển lực lượng chuyên gia dữ liệu chất lượng cao cho ngành ngân hàng.

Không chỉ dừng lại ở đó, MB mong muốn được phép đầu tư chi phối vào công ty công nghệ hoạt động trong các lĩnh vực như an ninh mạng, xây dựng các nền tảng dùng chung quốc gia trong một số mảng như y tế, giáo dục. Đóng góp năng lực chuyển đổi số phục vụ quy mô lớn khách hàng của ngành ngân hàng vào công cuộc phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số theo đúng tinh thần của Nghị quyết 57.

Theo số liệu thống kê nhanh từ một số ngân hàng thương mại cho thấy, các ngân hàng đã đi rất nhanh, mạnh trong hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tính riêng từ năm 2024 đến nay, nhiều ngân hàng đã xây dựng và triển khai trên thực tế số lượng lớn các sáng kiến cải tiến quy trình hoạt động, chuyển đổi số, một số ngân hàng có trên 100 sáng kiến trong năm.

Tiêu biểu như: BIDV (299 sáng kiến số/ tổng số 729 sáng kiến/năm); TPBank (135 sáng kiến số/150 sáng kiến); Agribank (120 sáng kiến số); VIB (101 sáng kiến); Vietinbank (100 sáng kiến số); Shinhan Bank Việt Nam (69/166 sáng kiến); Vietcombank (98 sáng kiến);

Đồng thời, số lượt cán bộ của các ngân hàng đã được bồi dưỡng về chuyển đổi số, công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong thời gian từ 2022 đến 15/5/2025 cũng ghi nhận những con số rất ấn tượng từ: tiêu biểu như Vietinbank (90.825 lượt học); MB Bank (55.402 lượt học); Techcombank (50.942 lượt học); Agribank (47.148 lượt học); BIDV (38.985 lượt học); VIB (35.627 lượt học).

Xem thêm

Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ “vượt dốc” đầu năm

Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ “vượt dốc” đầu năm

Ngành bảo hiểm phi nhân thọ khép lại quý đầu năm với lợi nhuận tăng trưởng nhẹ, chỉ một vài doanh nghiệp nổi bật với mức tăng hai chữ số, trong bối cảnh toàn ngành vẫn đối mặt với nhiều thách thức như cạnh tranh thị phần gay gắt, chi phí tái bảo hiểm leo thang và rủi ro thiên tai ngày càng lớn…

Có thể bạn quan tâm

Lộ diện 10 ngân hàng trả lương hậu hĩnh nhất quý 1/2025

Lộ diện 10 ngân hàng trả lương hậu hĩnh nhất quý 1/2025

Trong quý đầu năm nay, nhiều ngân hàng tư nhân đã vượt mặt nhóm Big4 về mức độ "chịu chi" cho nhân sự. TPBank tạo bất ngờ khi vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng, với chi phí bình quân cho mỗi nhân viên hơn 53 triệu đồng/người/tháng…