Phối cảnh một dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng của của BIM Land
IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết sẽ cấp một khoản vay lên tới 87,5 triệu USD cho Công ty CP Bất động sản BIM (BIM Land) để hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch bền vững tại Việt Nam và Lào.
Gói tài trợ của IFC cho BIM Land và các công ty con bao gồm một khoản vay lên tới 50 triệu USD từ IFC và một khoản vay tín thác lên tới 37,5 triệu USD từ nhiều nhà tài trợ thông qua Chương trình Danh mục Đồng Cấp vốn (MCPP) do IFC quản lý. 10 triệu USD trong gói tài trợ này sẽ được dành cho phát triển du lịch tại Lào.
IFC kỳ vọng khoản đầu tư này sẽ giúp thu hút số lượng ngày càng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế, nhờ đó tạo việc làm và hỗ trợ nền kinh tế trong nước.
Ông Đoàn Quốc Huy, Tổng Giám đốc của BIM Land, đánh giá cao danh mục đầu tư phong phú các dự án du lịch trên toàn cầu của IFC và cho biết: Từ khoản vay này, BIM Land sẽ xây dựng thêm hơn 1.500 phòng khách sạn hoặc căn hộ dịch vụ chất lượng quốc tế ở Viêng Chăn, vịnh Hạ Long và Phú Quốc.
Dự kiến, dự án sẽ tạo ra xấp xỉ 1.400 việc làm, với khoảng 60% sẽ dành cho phụ nữ. Ngoài việc sử dụng lao động tại địa phương với mức lương khá cao, dự án sẽ sử dụng khoảng 90% hàng hoá và dịch vụ từ các nhà cung cấp trong nước. IFC cũng sẽ chia sẻ những thông lệ tốt nhất để hỗ trợ công ty cải thiện kết quả kinh doanh.
Theo nhận định của IFC, du lịch là một trong những động lực tăng trưởng chính của cả hai quốc gia. Năm 2018, Việt Nam ghi nhận con số kỷ lục 15,5 triệu khách du lịch nước ngoài, trong khi Lào thu hút được xấp xỉ 4,2 triệu khách. Tuy nhiên, so với Thái Lan với lượng khách du lịch hàng năm ở mức 38 triệu, cả Việt Nam và Lào đều có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Một trong những thách thức đáng kể của Lào là tình trạng thiếu cơ sở lưu trú có chất lượng ở Viêng Chăn, thủ đô và cửa ngõ tiếp nhận phần lớn khách du lịch quốc tế.
Tương tự, ở Việt Nam, tình trạng kém phát triển của các điểm đến du lịch mới nổi như đảo Phú Quốc và vịnh Hạ Long phần nào cản trở ngành du lịch đang tăng trưởng của quốc gia.
Trong bối cảnh như vậy, khoản vay dài hạn của IFC sẽ có vai trò hết sức quan trọng trong cải thiện chất lượng hạ tầng du lịch ở cả hai quốc gia, thu hút du khách quay lại và khuyến khích du khách lưu trú lâu hơn.