Bình đẳng giới trong văn hóa kinh doanh hướng tới phát triển bền vững

Ngày 11/3 tại Hà Nội, Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bình đẳng giới trong Văn hóa kinh doanh hướng tới phát triển bền vững”.
Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 150 đại biểu
Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 150 đại biểu 

Chương trình được VWEC phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức nhân dịp kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1982 năm cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại khách sạn Melia Hà Nội và được đưa tin trên các kênh thông tin của VCCI, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam và UN Women Việt Nam.

Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; bà Elisa Fernandez Sanze– Trưởng VP Đại diện UN Women tại Việt Nam. Hội thảo thu hút gần 150 đại biểu tham dự là đại diện từ các cơ quan, tổ chức có liên quan; các hiệp hội doanh nghiệp và các nữ doanh nhân trên toàn quốc.

Toàn cảnh buổi hội thảo
Toàn cảnh buổi hội thảo 

Hội thảo là một trong chuỗi hoạt động của Hội đồng DNNVN chào mừng Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 và hướng tới việc triển khai thực hiện một trong ba đột phá chiến lược của VCCI trong nhiệm kỳ 2021 – 2026, đó là thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh. Hội thảo thể hiện nỗ lực chung của Hội đồng DNNVN và UN Women Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy việc vận dụng các Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs) tại nơi làm việc trong cộng đồng và trên thị trường, góp phần xây dựng văn hóa kinh doanh nhân văn, nâng cao vị thế doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch HĐ DNNVN cho biết, ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm khoảng 24% tổng số doanh nghiệp toàn quốc. Tỷ lệ này được định hướng tăng lên trong Chiến lược quốc gia vì BĐG 2020 -2030 là phấn đấu đạt 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. “Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước với sự lớn mạnh cả về số lượng cũng như quy mô và tầm ảnh hưởng. Các doanh nhân nữ luôn hướng tới và tiên phong tạo dựng xu hướng sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam

Bà Minh cũng cho rằng, các doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng luôn quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới, tạo cơ hội bình đẳng về việc làm và thu nhập cho các giới, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Một số báo cáo trong hai năm qua của Harvard Business Review và McKinsey chứng minh rằng các công ty có nền văn hóa bình đẳng, đa dạng và hòa nhập hơn đã xử lý tốt hơn các khủng hoảng do đại dịch gây ra và duy trì một lực lượng lao động cam kết để đảm bảo sự phục hồi mạnh mẽ hơn. Vì vậy bình đẳng giới là một nội hàm không thể thiếu trong văn hóa kinh doanh và nên được lồng ghép xuyên suốt trong tất cả các nội hàm cấu thành Văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp.

“Với tâm thế của người mẹ, khi phụ nữ làm chủ doanh nghiệp sẽ gửi gắm những tình cảm, khát vọng, dành toàn bộ tâm huyết, trí tuệ và lan tỏa triết lý kinh doanh, đạo đức, văn hóa ứng xử của mình để xây dựng văn hóa doanh nghiệp và hình thành nên văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp, trên nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc cùng với sự tuân thủ pháp luật Việt Nam và những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia” – Bà Minh nhấn mạnh.

Bà Elisa Fernandez – Trưởng VP Đại diện UN Women tại Việt Nam
Bà Elisa Fernandez – Trưởng VP Đại diện UN Women tại Việt Nam

Cũng tại phiên khai mạc hội thảo, bà Elisa Fernandez – Trưởng VP Đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết: “Trong những năm qua, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai và thảm họa môi trường không những đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn làm các bất bình đẳng hiện có của lao động nữ và doanh nhân nữ trầm trọng hơn. Hơn lúc nào hết, bây giờ là lúc các doanh nghiệp cần phải thay đổi chiến lược và hành động mạnh mẽ để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong văn hóa kinh doanh để phát triển bền vững.”

GS-TS Đinh Xuân Dũng - Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
GS-TS Đinh Xuân Dũng - Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

Tham gia chia sẻ tại hội thảo, GS-TS Đinh Xuân Dũng - Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nêu rõ ý nghĩa to lớn của văn hóa kinh doanh, trong đó bình đẳng giới là một khía cạnh không thể thiếu và mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa kinh doanh với phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tham gia phiên thảo luận chuyên đề bình đẳng giới trong văn hóa kinh doanh hướng tới phát triển bền vững, các doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về quá trình xây dựng văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp; triết lý kinh doanh và những giá trị cốt lõi trong văn hóa kinh của doanh nghiêp trong đó có tính kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như chú trọng tới thúc đẩy bình đẳng giới, khơi dậy tiềm lực của phụ nữ trong phát triển bền vững của doanh nghiệp;...

Lễ ký cam kết ủng hộ các Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs)
Lễ ký cam kết ủng hộ các Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs)

Để lan tỏa hơn nữa những giá trị tích cực của bình đẳng giới trong văn hóa kinh doanh, lễ ký cam kết ủng hộ các Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs) đã được diễn ra như một minh chứng cho quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp nữ trong xây dựng văn hóa kinh doanh hướng tới phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm