Bộ ba cổ phiếu APEC Group: Bi kịch và nỗi đau

Sau thông tin khởi tố vụ án hình sự thao túng giá chứng khoán tại các công ty thuộc hệ sinh thái của APEC Group, nhiều nhà đầu tư, nhất là những người đang sở hữu bộ 3 cổ phiếu APS, API, IDJ đều đang nóng lòng muốn biết “số phận” của cổ phiếu này sẽ ra sao vào tuần tới.
APEC Group

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước (SSC) vừa có thông tin về việc khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại các công ty thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC Group là Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC - mã chứng khoán: APS), Công ty cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (APEC Investment - mã chứng khoán: API) và Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ Financial - mã chứng khoán: IDJ).

Ngay sau đó, bộ ba cổ phiếu APEC trở thành tâm điểm của dư luận khi xuất hiện trên khắp các diễn đàn trên mạng xã hội.

3 năm 1 “kịch bản” 

Chắc hẳn các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán khó có thể quên quãng thời gian “làm mưa, làm gió” của bộ ba cổ phiếu APEC Group với đà tăng phi mã trong năm 2021, giúp nhiều người tận hưởng cảm giác “ăn bằng lần”.

Cụ thể, từ một cổ phiếu có mức giá “trà đá” 4.200 đồng/cổ phiếu, APS tăng vọt lên mức 59.900 đồng/cổ phiếu (phiên 18/11), tương đương mức tăng 14 lần. Cũng trong giai đoạn này, bộ đôi API và IDJ cũng đạt “đỉnh” vào phiên 15/11, lần lượt đóng cửa ở mức 46.330 đồng/cổ phiếu và 42.350 đồng/cổ phiếu, cao gấp 7,3 lần và 5,2 lần so với đầu năm.

Trong bối cảnh thăng hoa của giá cổ phiếu, tại Đại hội đồng cổ đông của Chứng khoán APEC (tổ chức ngày 16/11/2021), ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty lúc đó đã gây sốc với giới đầu tư với màn hô hào cổ đông “quyết tâm gồng lãi”. Đồng thời khẳng định, không có chuyện “lái” giá cổ phiếu, nếu phát hiện dấu hiệu gian lận sẽ xử lý nghiêm.

Cũng trong khoảng thời gian này, thanh khoản của 3 cổ phiếu này cũng tăng trưởng mạnh khi đạt hàng triệu đơn vị được giao dịch mỗi phiên. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý bên cạnh thị giá và thanh khoản tăng mạnh thì đây cũng là thời điểm mà APS, API và IDJ đồng loạt đẩy mạnh tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ, cho cổ đông hiện hữu và chia cổ tức.

Việc liên tiếp phát hành đã khiến thị giá của bộ ba cổ phiếu APEC bị pha loãng, cùng với khó khăn chung của thị trường trong năm 2022, không ít cổ đông nghe theo lời “gồng lãi” của ban lãnh đạo đã phải ngậm ngùi trả giá.

Cụ thể, cổ phiếu APS đã “đổ đèo” từ mức 59.900 đồng/cổ phiếu về 8.500 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch ngày 30/12/2022), tương đương mức giảm gần 86%; tương tự, API cũng giảm sâu về mức 8.600 đồng/cổ phiếu, IDJ về mức 7.700 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cũng quay đầu giảm mạnh khi vắng bóng dần những phiên giao dịch có khối lượng hàng triệu đơn vị được trao tay.

Ngay tại thời điểm mà các nhà đầu tư đã tỏ ra chán nản thì một lần nữa, bộ ba cổ phiếu APEC gây xôn xao thị trường khi liên tục tăng mạnh với mức tăng trung bình khoảng 60% chỉ trong thời gian ngắn từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 6/2023 bất chấp sự ì ạch của thị trường chung.

APEC Group
Diễn biến giá cổ phiếu APS từ đầu năm đến nay

Vẫn theo “kịch bản” cũ, sau khi cổ phiếu tăng mạnh, APS đã tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông. Tuy không được diễn ra nhưng ông Nguyễn Đỗ Lăng vẫn một lần nữa khẳng định, cổ phiếu APS, API, IDJ đang có cơ hội cao trở thành “hoa hậu” của năm 2023 và trong tương lai sẽ tăng gấp đôi, gấp 3 lần hiện tại.

Tất nhiên, kế hoạch phát hành hàng riêng lẻ hàng trăm triệu cổ phiếu cũng đã được chuẩn bị đầy đủ và theo đúng những gì phải diễn ra là thị giá của cả 3 cổ phiếu này sẽ cùng “quay xe”.

Tính đến phiên giao dịch ngày 23/6, trung bình mỗi mã đã ghi nhận về mức giảm hơn 10%. Chắc chắn mức giảm này sẽ còn nhiều hơn nữa bởi thông thường, giá cổ phiếu sẽ luôn phản ứng rất mạnh với các thông tin xấu, đặc biệt là những thông tin liên quan đến hình sự.

Nhiều nhà đầu tư fomo (hiệu ứng tâm lý của những người sợ bỏ lỡ cơ hội), thậm chí những cổ đông hiện hữu sẽ có thể phải đối mặt với tình trạng giảm giá liên tục của cả 3 cổ phiếu này, thậm chi còn “bán không ai mua”.

Tín hiệu của nỗi đau đã có từ sớm

Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở, bởi trên thị trường chứng khoán đã có quá nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp có liên quan đến bê bối thao túng giá. Hầu hết các mã này đều rơi vào tình trạng “mất phanh”, thậm chí tương lai mù mịt như FLC, ROS, nhóm Louis Holdings, Chứng khoán Trí Việt…

Tuy nhiên, sẽ là không quá khi nói rằng những “nỗi đau” đều đã có những tín hiệu từ trước, chỉ là trong “cơn say” về giá, các nhà đầu tư đã bỏ những sự bất thường.

Quay trở lại với những cú bứt phá của APS, API, IDJ có thể thấy đều không đến từ động lực cốt lõi. Tại thời điểm năm 2021, rõ ràng đây là hành động thao túng giá cổ phiếu, đã được thể hiện qua việc cơ quan công an đã khởi tố vụ án. Còn thời điểm vừa qua, đà tăng của bộ ba này đều không thông tin nào hỗ trợ.

Đối với Chứng khoán APEC, công ty báo lỗ gần 450 tỷ đồng trong năm 2022. Cập nhật kết quả kinh doanh quý 1/2023 cho thấy, dù bão lãi 30 tỷ đông nhưng khoản lỗ tự doanh đã tăng lên mức 83 tỷ; dòng tiền cho vay margin và phải thu của APS tiếp tục sụt giảm còn 160 tỷ trong khi hồi đầu năm 2022 ở mức 533 tỷ đồng.

Tương tự, kết thúc quý 1/2023, API ghi nhận hơn 4,4 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi cùng kỳ là gần 48,2 tỷ đồng, giảm gần 91%. Duy chỉ có IDJ ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ về lợi nhuận, nhưng cũng chưa đủ để có thể đưa giá cổ phiếu tăng hơn 1 nửa chỉ trong vòng hơn 2 tháng.

APEC Group
Ông Nguyễn Đỗ Lăng người được xem là "linh hồn" của APEC Group

Soi lại giao dịch cũng có thể thấy rằng, trong phiên giao dịch ngày 19/6, cả 3 cổ phiếu APEC đều ghi nhận phiên giảm sàn với khối lượng giao dịch tăng đột biến, gấp mấy lần phiên trước đó. Đáng chú ý, 4 phiên giao dịch sau đó (20-23/6), cả 3 cùng có chung 1 kịch bản là có 2 phiên giảm, 2 phiên tăng đan xen, tại các phiên giảm đều có thanh khoản cao hơn phiên tăng.

Theo nhận định của một nhà đầu tư lâu năm, đây có thể là động thái “kéo để xả” của một số “tay to” nắm được thông tin tiêu cực từ trước đó. Thậm chí, ngay trong phiên giao dịch ngà 23/6, cả 3 cổ phiếu này vẫn đóng cửa trong sắc xanh, thông tin tiêu cực xuất hiện sau khi phiên giao dịch kết thúc.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông bất thành của Chứng khoán APEC, ông Nguyễn Đỗ Lăng đã có những chia sẻ với cổ đông về việc những người theo nghiệp chứng khoán, tài chính rất khổ.

"Chứng khoán mang lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui, vô cùng thăng hoa những cũng đem tới quá nhiều đau khổ. Và bi kịch nhất là khi chúng ta khổ thì không nhận ra bản thân mình đang đau… Đầu tư chứng khoán rất dễ mắc tâm bệnh, mà tâm bệnh thì khổ gấp nhiều lần bệnh thân thể, kéo dài dai dẳng và chữa rất khó”, ông Lăng nói.

Có thể bạn quan tâm