Trước đó, Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ về vấn đề này, với nội dung làm dư luận và doanh nghiệp “hiểu” là Bộ không muốn bỏ thông tư 20.
Cụ thể, trao đổi với báo Tuổi Trẻ, thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, việc Bộ Công thương nhận định Thông tư 20/2015 chưa phải là giải pháp tốt nhất, bởi thông tư này đặt ra các câu hỏi về khả năng bảo hành, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn, quyền lợi cho người tiêu dùng ngay tại cửa khẩu, trong khi lẽ ra nên hỏi ở khâu đăng ký lưu hành. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh giải thích rõ thêm, là trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, bộ chưa đề xuất mô hình cụ thể về điều kiện bảo hành cho ô tô nhập khẩu.
“Nhưng nếu được giao phối hợp với Bộ GTVT, chúng tôi sẽ đề xuất các loại phương tiện có thể được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa tại 3 loại cơ sở: hoặc là của chính hãng mở tại Việt Nam. Hoặc là được chính hãng ủy quyền, hoặc là được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Bộ GTVT) cho phép thực hiện dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa phương tiện.” – thứ trưởng nói.
Ông cho biết thêm: “Về nguyên tắc, nghĩa vụ bảo hành, bảo dưỡng là của chính hãng, nhưng điều đó không ngăn cản Nhà nước cho phép thêm các cơ sở khác cùng tham gia cung cấp dịch vụ này trên cơ sở đáp ứng các điều kiện do Nhà nước quy định”. Từ đây, theo thứ trưởng Khánh, mô hình mà Bộ Công thương dự kiến đề xuất sẽ có hai thay đổi cơ bản hoàn toàn tới điều kiện nhập khẩu ô tô.
Cụ thể: Một là, ai cũng có quyền nhập khẩu ôtô mà không cần phải xuất trình giấy ủy quyền chính hãng, tức là bãi bỏ hoàn toàn thông tư 20. Hai là, mỗi chiếc xe mới bán ra đều phải kèm theo cam kết bảo hành, bảo dưỡng cho người tiêu dùng tại cơ sở do chính hãng thành lập, cơ sở được chính hãng ủy quyền hoặc cơ sở được Bộ GTVT xác nhận là đủ điều kiện.
Nếu không có cam kết này, xe sẽ không được đăng ký lưu hành. Trả lời câu hỏi của Tuổi trẻ về việc vì sao “bộ không bãi bỏ ngay thông tư 20 mà lại phải chờ Bộ GTVT?”, thứ trưởng Khánh cho biết, dự luận mải thảo luận về thông tư 20 mà không để ý, rằng từ ngày 1/7/2016, ngày thông tư 19/2012 ngày 1/8/2012 của Bộ GTVT quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu xe ô tô đã tự động hết hiệu lực theo Luật đầu tư 2014.
Do vậy, đã không còn văn bản nào nữa quy định về trách nhiệm cũng như phương thức bảo hành, bảo dưỡng ôtô của thương nhân nhập khẩu. “Trong hoàn cảnh đó, để bảo vệ người tiêu dùng, chúng tôi chưa thể bãi bỏ thông tư 20. Dù thông tư 20 chỉ giúp được người tiêu dùng trong một phân khúc hẹp là xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, nhưng ít nhất cũng tốt hơn là không có gì, phó mặc hoàn toàn các yêu cầu về bảo dưỡng, bảo hành cho thương nhân nhập khẩu tự quyết định.” – thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thực tế, thông tin về việc thông tư 19/2012 ngày 1/8/2012 của Bộ GTVT quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu xe ô tô đã tự động hết hiệu lực đã không thể hiện trong báo cáo của Bộ Công thương với Chính phủ về Thông tư 20.
Bộ Công thương không “non” đến mức ngay cả văn bản báo cáo Chính phủ cũng không trình bày được cho rõ ràng, mạch lạc.
Nói cách khác, giải thích này của thứ trưởng Trần Quốc Khánh có thể an lòng và đem lại hi vọng cho những doanh nghiệp kinh doanh ô tô nhập khẩu. Tuy nhiên, việc thiếu vắng những giải thích rõ ràng - để sau đó dẫn tới phải giải thích lại – dường như thể hiện nhiều hơn về những xung đột lợi ích trong vấn đề chọn bỏ, hay chọn duy trì Thông tư 20.
Theo Viettimes