Đây là một trong những đầu mục công việc lớn mà Bộ Công Thương sẽ thực hiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kinh tế duy trì đà tăng trưởng.
Theo Bộ Công Thương, mặt hàng xăng dầu trong năm 2023 vẫn tiếp tục chịu sự biến động và chi phối lớn của thị trường xăng dầu thế giới về nguồn cung và giá cả.
Năm 2022, Bộ Công Thương đã phải cân đối tổng nguồn cung xăng dầu đồng thời phải hai lần phân giao nhập khẩu bổ sung cho các doanh nghiệp đầu mối để bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước.
Ngoài ra, phải liệc tục phối hợp và kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện rà soát, điều chỉnh các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu; kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối về nguồn vốn tín dụng, ngoại tệ, thủ tục hải quan, lưu thông, vận chuyển xăng dầu.
Để kiểm soát và điều tiết thị trường xăng dầu, trong năm nay, Bộ Công Thương sẽ phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm túc hành vi đầu cơ, găm hàng và các hành vi vi phạm khác; theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để có giải pháp điều hành phù hợp.
Việc tăng cường kỷ luật, số hoá hoạt động kinh doanh xăng dầu sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình quản lý, giảm thiểu tối đa tình trạng thiếu cục bộ xăng dầu ở một số địa phương. Đồng thời, đây sẽ là cơ sở để tạo nên sự minh bạch cho thị trường xăng dầu cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phân phối và bán lẻ mặt hàng này.
Hồi tháng 12/2022, Bộ Công Thương cho biết sẽ gia tăng thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong năm 2023 và công bố danh sách gần 120 cửa hàng xăng dầu thuộc diện kiểm tra trên phạm vi toàn quốc.
Thậm chí, trong thời gian nghỉ Tết Quý mão, nhiều cửa hàng xăng dầu thông báo "hết xăng, đóng cửa" cũng đã được Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu chấn chỉnh gấp.