Bộ Công thương: Triển khai đợt kiểm tra về giá cả và cung cầu hàng hóa

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có Công điện gửi các đơn vị trực thuộc về việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.

Ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có Công điện gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Thủ trưởng Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW về việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.

triển khai đợt cao điểm kiểm tra về giá cả và cung cầu hàng hóa
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu triển khai đợt cao điểm kiểm tra về giá cả và cung cầu hàng hóa

Theo Công điện, trong những ngày qua, mặc dù giá xăng dầu trong nước đã bước đầu giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của nhân dân. Trước tình hình đó, ngày 31-7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, trong đó có giao cho Bộ Công Thương trong phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găn hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Trong công điện ngày 4-8, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022 đồng thời xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý.

Lực lượng quản lý thị trường trong cả nước tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường.

Ngành cần nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; triển khai đợt cao điểm kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, từ nay cho đến hết năm 2022.

Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với cơ quan báo chí, thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ về thủ đoạn, nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong chấp hành pháp luật về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng chống dịch.

Cũng tại công điện này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý lãnh đạo cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để báo cáo ngay với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và đề xuất hướng xử lý.

Qua kiểm tra, đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, ngành cần làm rõ các bất cập, hạn chế (nếu có) để đề xuất các giải pháp khắc phục bảo đảm giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán; tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ tinh gọn, hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán; rà soát để trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.

Song song đó, các đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu nhận thức đúng và tích cực tham gia chương trình bình ổn giá tại địa phương đặc biệt là niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Tại các hội thảo gần đây bàn về giải pháp giúp kéo giá cả hàng hóa đi xuống, một số chuyên gia kinh tế cho rằng lực lượng quản lý thị trường chỉ có thể xử lý phần “ngọn”, tức là giám sát giá cả chứ không thể làm giảm giá các mặt hàng. Bởi trong giá cả hàng hóa thì chi phí xăng dầu là chi phí đẩy. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và các vấn đề địa chính trị trên thế giới đang khiến nguồn cung bị đứt gãy, chi phí nhân công, nguyên liệu, logistics… tất cả đều tăng lên đã khiến giá cả tăng cao. Chính vì vậy để giảm giá hàng hóa cũng cần phải có thời gian.

Hiện nay, giá xăng dầu đã giảm mạnh, tuy nhiên cần có độ trễ nhất định để hàng hóa điều chỉnh giá. Trong thời gian tới, các bộ, ngành cần ngồi chung lại với nhau để bàn thảo và tìm ra giải pháp điều hành.

Xem thêm

Giá cà phê tăng, xuất khẩu cà phê đạt trên 2 tỷ USD

Giá cà phê tăng, xuất khẩu cà phê đạt trên 2 tỷ USD

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 889 nghìn tấn, trị giá trên 2 tỷ USD, tăng 24,2% về sản lượng và tăng 54% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Có thể bạn quan tâm