Bộ GD&ĐT triển khai các nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học

Công tác phòng chống tệ nạn ma túy được ngành Giáo dục và Đào tạo xác định là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình công tác năm học hàng năm, là nội dung giáo dục quan trọng đối với tất cả các cấp học.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và tại 63 điểm cầu của 63 Sở Giáo dục và Đào tạo.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và tại 63 điểm cầu của 63 Sở Giáo dục và Đào tạo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học và hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021.

Tại hội nghị, các đại biểu nhìn nhận, tệ nạn ma túy hiện đang là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt đời sống - xã hội và để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, sức khỏe công cộng, trật tự, an toàn xã hội và đe dọa an ninh quốc gia. Ma túy đã và đang hủy hoại tương lai của nhiều thanh thiếu niên, lấy đi cơ hội giúp họ trở thành công dân có ích cho đất nước và đang đe dọa cuộc sống bình yên của hàng triệu người khác.

Theo thống kê của Bộ Công An - Cơ quan thường trực về PCMT của Ủy ban Quốc gia, tính đến cuối năm 2020nước ta có 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, số người nghiện và nghi nghiện ở nước ta còn cao hơn. Điều đáng nói, thành phần người nghiện đa dạng và đang trong độ tuổi rất trẻ, trong đó có cả người nghiện là học sinh, sinh viên.

Trong bối cảnh tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy đang diễn biến phức tạp với nhiều yếu tố khó lường, đặc biệt là ngày càng xuất hiện nhiều loại chất hướng thần mới rất nguy hiểm, công tác phòng, chống ma túy nói chung, việc bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công của tệ nạn ma túy là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.

Công tác phòng chống tệ nạn ma túy được ngành Giáo dục và Đào tạo xác định là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình công tác năm học hàng năm, từ đó đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho đông đảo đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh về công tác phòng, chống ma tuý.

Là Thủ đô của cả nước, công tác PCMT trong học đường tại Hà Nội được coi là một nội dung giáo dục quan trọng đối với tất cả các cấp học. Trong tham luận, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: “Thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tệ nạn ma túy nói riêng được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội coi là một nội dung giáo dục quan trọng đối với tất cả các cấp học. Sở đã chủ động triển khai toàn diện các chương trình phòng, chống ma túy tới cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong toàn Ngành. Giáo dục, tuyên truyền thông qua chương trình chính khoá và ngoại khóa. Hàng năm các đơn vị phối hợp với trung tâm y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh đồng thời sàng lọc các trường hợp nghi vấn có sử dụng ma túy...”.

“Trong những năm qua, công tác phòng chống ma túy (PCMT) trong trường học trên địa bàn Nghệ An rất được chú trọng và nghiêm túc triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền giáo dục về phòng chống ma túy thường xuyên được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Các cơ sở giáo dục đã da dạng hóa, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền vận động phòng chống ma tuý, trong đó chú trọng cả diện rộng và chiều sâu, tạo bước chuyển biến quan trọng về nhận thức trong học sinh, sinh viên”- đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ trong tham luận tại Hội nghị.

Để thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về việc tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy và Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ về phòng chống ma túy, phòng chống AIDS, mại dâm, tệ nạn xã hội, cụ thể là: Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng về công tác phòng, chống ma túy trong trường học; Tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho thanh, thiếu niên, cán bộ đoàn, đội của các nhà trường trên toàn quốc; Xã hội hóa các chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong trường học; Phối hợp với một số địa phương tổ chức thí điểm xét nghiệm chất ma tuý cho học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; Triển khai bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh; Nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho sinh viên; Xây dựng và triển khai Dự án “Cùng chung tay bảo vệ Thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” theo hình thức xã hội hóa; Xây dựng, triển khai kế hoạch can thiệp phòng ngừa nghiện ma túy cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Các nhiệm vụ phòng chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm năm 2021 Ủy ban Quốc gia giao nói trên là nặng nề nhưng rất quan trọng; trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sáng tạo, triển khai với nhiều cách làm mới, có ý nghĩa xã hội to lớn, thiết thực góp phần bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy. Những nhiệm vụ này không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp bách, trước mắt; mà còn là mở ra hướng tiếp cận mới việc đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa ma túy của những năm tiếp theo trong ngành Giáo dục.

Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD - Lê Trung Tuấn truyền tải thông điệp của Dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”
Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD - Lê Trung Tuấn truyền tải thông điệp của Dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”

Ngoài ra, trong hội nghị cũng chia sẻ về hiểm họa ma túy và truyền tải thông điệp của Dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”. Đại diện dự án, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy PSD - Lê Trung Tuấn cho biết, “Giá trị lớn lao của các hoạt động phòng chống ma túy 2021 là từng bước hình thành cơ chế chủ động tự phòng vệ ma túy trong các em học sinh, cán bộ quản lý giáo dục và phụ huynh học sinh. Từ đó lan tỏa, tạo ra làn sóng mạnh mẽ tham gia phòng chống ma túy, tạo ra sự phòng vệ xã hội, hình thành hệ “miễn dịch” với ma túy trong cộng đồng, góp phần quan trọng vào công cuộc phòng chống ma túy của đất nước”.

Có thể bạn quan tâm