Bộ Giao thông vận tải đề nghị sửa quy định về chuyển nhượng thầu

Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện...

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch đầu tư về việc tham gia ý kiến dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Trong văn bản này, Bộ Giao thông vận tải đề nghị xem xét bổ sung quy định loại trừ tại khoản 27 Điều 4 của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng các tổ chức cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm; cung cấp nhân lực, máy và thiết bị để phục vụ thi công xây dựng công trình không là nhà thầu phụ.

Cụ thể, về nhà thầu phụ, theo khoản 27 Điều 4, khái niệm: Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện công việc xây lắp, tư vấn, phi tư vấn và dịch vụ liên quan của gói thầu, công việc thuộc gói thầu hỗn hợp theo hợp đồng được ký với nhà thầu.

Bộ Giao thông vận tải lý giải, khái niệm "dịch vụ liên quan của gói thầu" có phạm vi rộng và nội hàm chưa rõ, có thể phù hợp với các ngành nghề, lĩnh vực khác nhưng đối với ngành Giao thông vận tải, quy định này có thể dẫn đến cách hiểu các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm; cung cấp nhân lực, máy và thiết bị để phục vụ thi công xây dựng công trình cũng là nhà thầu phụ. Từ đó, có thể ảnh hưởng đến việc quản lý, thực hiện hợp đồng và gặp vướng mắc đối với quy định về hành vi chuyển nhượng thầu.

Bên cạnh đó, về chuyển nhượng thầu, Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng pháp luật xây dựng và pháp luật đấu thầu đều quy định thống nhất, cho phép nhà thầu chính được ký hợp đồng với nhà thầu phụ để thực hiện một hoặc một số công việc thuộc gói thầu (không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện).

chuyển nhượng thầu
Một mặt, Bộ Giao thông vận tải muốn pháp luật nới quy định về nhà thầu phụ và chuyển nhượng thầu, mặt khác, Bộ cũng yêu cầu siết chặt chuyển nhượng thầu

Theo dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) có quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó quy định rất chặt về các hành vi chuyển nhượng thầu, theo đó ngay từ bước dự thầu, nhà thầu đã phải xác định rõ giá trị tối đa, phạm vi công việc dự kiến sử dụng nhà thầu phụ.

Tuy nhiên, với đặc trưng xây dựng ngành giao thông thường có thwofi gian kéo dài, quá trình thực hiện bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như điều kiện thời tiết, giá cả thị trường... do đó, tại thời điểm tham dự thầu, nhà thầu chưa thể dự kiến hết phần công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ để đưa ra danh sách các nhà thầu phụ; hoặc trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư yêu cầu đẩy nhanh, rút ngắn tiến độ sớm đưa công trình vào khai thác; khi đó có thể cần phải bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách hoặc bổ sung phần công việc cho nhà thầu phụ ngoài phạm vi công việc, vượt giá trị tối đa công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng.

Vì vậy, việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện.

Nên Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư xem xét nghiên cứu, sửa đổi về hành vi chuyển nhượng thầu trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)theo hướng bổ sung quy định loại trừ đối với trường hợp nhà thầu thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu và việc sử dụng nhà thầu phụ vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng khi có lý do xác đáng, hợp lý và được chủ đầu tư chấp thuận không được coi là hành vi chuyển nhượng thầu.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản có các cục quản lý chuyên ngành, các ban quản lý dự án trực thuộc Bộ; các Sở Giao thông Vận tải về việc tăng cường kiểm soát việc lựa chọn nhà thầu và quản lý thực hiện hợp đồng các dự án xây dựng công trình giao thông.

Văn bản này yêu cầu các chủ đầu tư kiểm soát và tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật đấu thầu về hành vi chuyển nhượng thầu trái pháp luật. 

Nghiêm cấm các hành vi dàn xếp, thông thầu, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, đặt ra các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đặc biệt có hành vi cản trở, hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm