Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Luật Đấu thầu cần sửa đổi toàn diện

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Luật Đấu thầu cần sửa đổi toàn diện

Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Thừa ủy quyền Thủ tướng trình dự án Luật Đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, nhưng chưa được quy định hoặc quy định chưa đầy đủ, hành vi “thông thầu”, “gian lận", vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi….

Mục tiêu sửa luật, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật; khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

Về nội dung, Bộ trưởng cho biết dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua.

Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin theo hướng yêu cầu tất cả các thông tin trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, bao gồm cả thông tin về quá trình và kết quả thực hiện hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu phải được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và khuyến khích đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Việc này nhằm góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan trong hoạt động đấu thầu, hạn chế tình trạng gian lận trong đấu thầu, Trưởng ban soạn thảo dự án luật nêu rõ.

Đa số ý kiến của Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện, sâu sắc những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nói.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ tại sao đấu thầu tập trung thuốc, trang thiết bị y tế rất cần, nhưng thực hiện lại khó khăn đến thế. Đến mức Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt mà vẫn thấy khan hiếm. Sửa Luật này có khắc phục được vấn đề này không, ông Thanh đặt vấn đề.

sua-luat-dau-thau-co-han-che-duoc-tham-nhung-tieu-cuc1663669082

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu các quy định trong luật càng cụ thể càng tốt.

Ông Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nên đi thẳng vào những vấn đề sửa đổi, bổ sung là gì, vì sao lại sửa đổi.

"Mỗi khi nói đến đầu tư công, đấu thầu, đấu giá đều kêu thủ tục kéo dài, thậm chí ách tắc, rồi nói do luật. Sửa lần này, các đồng chí chỉ thẳng ra nội dung nào ách tắc, phức tạp, làm cho đấu thầu kéo dài? Và sửa thế nào, có khắc phục được chuyện ấy không?", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Dẫn lại ý kiến Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga về tình trạng quân xanh, quân đỏ, thông thầu, tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho rằng, cần làm rõ chỗ nào là do luật pháp? Vì pháp luật thiếu chặt chẽ, thiếu công khai, minh bạch mới sinh ra chuyện đó.

"Ta nói bịt lỗ hổng thì lỗ hổng là cái gì, có lỗ hổng không, hổng ở đâu, vá thế nào, sửa thế nào, dự thảo phải đi thẳng vào", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, lâu nay, cứ nói đến đấu thầu là nhiều người nghĩ ngay quân xanh, quân đỏ. Đây cũng là lĩnh vực có nhiều nguy cơ tham nhũng.

Bà Nga đề nghị xác định rõ tình trạng này có nguyên nhân do luật không và nếu có thì nằm ở điều luật nào và sẽ sửa đổi ra sao.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói đây là dự án luật rất nhạy cảm, rất khó.

Theo Bộ trưởng, vướng mắc hiện nay muôn hình vạn trạng, nằm cả ở cả quy định pháp luật và cả khâu thực hiện, ở cả ý chí chủ quan và khách quan.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm